Mở đầu buổi hội thảo, cả hội trường đứng lên hát bài: “Thánh Thần Hãy Đến”. Cha Hà Thiên Trúc đọc bài Thánh thư Chương 13 Thư 1 gửi tín hữu Côrintô (bài ca Đức Mến).
- GH Tin Lành đọc một bài.
- Một bài Đọc tiếng Anh.
- Một bài Đọc tiếng Pháp.
Khách mời danh dự là Bà Vassula tín hữu Chính Thống giáo, người Hy Lạp, hiện sống ở Băng-la-đét, bà đã đi chia sẻ trên 80 quốc gia, trong đó có cuộc gặp gỡ Đại kết này. Bà mở đầu bằng Kinh Lạy Cha và diễn thuyết trong vòng 60 phút, nói về sự gặp gỡ của bà với Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu tỏ mình ra với bà từ năm 1985 cho đến nay. Chúa nói rất nhiều điều với bà, dạy dỗ và bà ghi chép… lại trong một cuốn sách, được dịch ra nhiều thứ tiếng.
- “Con nghe được tiếng gọi rất mạnh mẽ: “Ta là Chúa Cha đây!”. 32 năm qua nghe tiếng Chúa kêu gọi Hòa giải và Hiệp nhất, cầu nguyện không ngừng…
- Trong một thị kiến: Thấy 3 thanh sắt gần nhau. Mỗi thanh sắt biểu tượng cho Công giáo – Tin lành – Chính Thống giáo. Khó mà đổi lòng.
- Thị kiến vào ngày 2/6/1987. “Sự quan trọng của Đức Mến, là quà tặng của Chúa Thánh Thần trao cho chúng ta để đo lường Tình yêu trên Trái đất này. Ngài dạy phải yêu thương, mềm dẻo hơn, phải khom mình xuống trong khiêm nhường…”
- Chúng ta chỉ biết hùng biện mà không có Đức Mến. Phải phục hồi lại Nhiệm Thể của Chúa Giêsu, để làm nguôi cơn giận của Đức Chúa Cha hầu Người sẽ ban phúc lành cho chúng ta.
- Đây là thời đại của chúng ta, Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta Hòa giải. Phải ra khỏi căn nhà riêng của mình, phải Hiệp nhất nên một, phải thay đổi từ con tim trong mỗi người chúng ta. Chỉ đối thoại thì không đủ mà phải ngồi xuống, phải sống với tình yêu nữa.
- Giả dối - kiêu ngạo – tham ô trong lòng chúng ta là xấu xa. Hãy cầu nguyện thật nhiều, nhất là với tràng chuỗi Mân Côi - đây là xiềng xích trói buộc Satan. Đừng chống đối Thiên Chúa mà hãy Hòa giải và Hiệp nhất, vì án phạt luôn ở trên đầu những kẻ kiêu căng - ngạo mạng – chia rẽ - thiếu yêu thương.
- Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta được Hiệp nhất – yêu thương nhau, thì chiến tranh – bịnh tật sẽ mất đi.
- Hòa giải để Hiệp nhất trong Một Chúa – Một Đức Tin – và một Phép Rửa….
Bà luôn nghe tiếng chân Chúa đến và tiếng Chúa nói với bà trong suốt 32 năm: “Kêu gọi Hòa giải, cầu nguyện không ngừng, Hiệt nhất trong khác biệt”.
Sau bài diễn thuyết của bà Vassula, Cha Giám học mời các đại diện của Hội Thánh Tin Lành cho biết ý kiến và cảm nhận về buổi giao lưu.
Các Hội Thánh Tin Lành đều cảm tạ Ơn Thiên Chúa. Sự Hòa giải và Ơn Hiệp Nhất luôn ở trong Lời cầu nguyện của Hội Thánh và các Tín đồ của họ:
“Cám ơn tấm lòng và sự nhiệt tình của bà Vassula đã làm chúng tôi vô cùng xúc động. Cám ơn vì được đến đây, được lắng nghe, và cảm nhận tất cả chúng ta là con cái của Thiên Chúa, là con một Cha trên trời mà chúng ta vẫn còn chia rẽ, vẫn còn phân biệt quá sâu sắc, như Hội Thánh Tin Lành đây có 27 Giáo phái TL khác nhau… có những cá biệt nhỏ, có những cá biệt khá lớn, và nhiều... nhưng Cảm tạ Thiên Chúa khi chúng tôi ngồi lại với nhau, chúng tôi gạt bỏ những cái riêng của mình, nhận lấy cái chung vì tất cả chúng tôi là chi thể, là thân thể của Đức Kitô.
Hôm nay chúng ta đến đây, gặp nhau đây chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa là Công giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo hay Cao Đài chúng ta đều xuất thân từ nguồn gốc duy nhất là con của Thiên Chúa, trong Thiên Chúa qua Đức Chúa Giêsu chúng ta trở nên một, và Thánh Phaolô đã nói điều đó. Một ngày nào đó chúng ta đến đây với nhau làm giờ cầu nguyện, hiệp thông, xin Thiên Chúa cho chúng ta được có cuộc sống an bình, thịnh vượng trong Ơn Chúa Thánh Thần…”
Sau mỗi ý kiến, mỗi cảm nhận, tất cả cộng đoàn đều cất lên tiếng hát cầu xin:
“Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ. Xin liên kết muôn người trong lòng mến Chúa Cha muôn đời.”
Cha Giám học: Thật ra giới Công giáo Việt Nam chưa có dịp tiếp xúc với Chính Thống giáo. Năm 1054 Công giáo đã chia tay với Chính Thống giáo, hai bên dứt phép Thông công lẫn nhau. Đến năm 1964, sau 910 năm chia tay, Giáo hoàng Phaolô VI và thượng phụ Chính Thống giáo Athenagoras đã giao hòa với nhau tại Giêrusalem (1/1964). Sự chia tay ở thế kỷ XI đến thế kỷ XX được Đức Phaolô VI xóa bỏ. Ba thanh sắt cứng ngắt gần nhau nhưng sự Kết nối – Tình yêu – và Cúi xuống (khiêm nhường), nhờ Ơn Chúa Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta sát gần nhau hơn. Bản thân mỗi người chúng ta phải hiệp nhất với nhau mọi nơi và mọi lúc… Nhưng sự hiệp nhất với Thiên Chúa là cần hơn hết.
Cha Phêrô Giám đốc TTMV, đặc trách Ban Mục vụ giáo lý của TGP Sài Gòn, đại diện giới Công giáo phát biểu cảm tưởng:
- Qua sự chia sẻ của Chị Vassula, tôi rất cám ơn chị, chị đã cho chúng tôi biết được âm vang Lời của Chúa trong ngày hôm nay, tôi xin chia ra làm hai điều:
Điều thứ nhất làm tôi thích thú như chị nói là chúng ta cần Đối thoại. Đối thoại trong yêu thương, trong tình yêu là tình cảm của chúng ta, là cảm xúc của con người. Theo tôi nghĩ, tôi tin, tôi nhận thấy tình yêu thúc đẩy chúng ta gặp gỡ, hiệp thông với nhau nơi đây là tình yêu của Thiên Chúa. Tôi tin, chúng ta hãy cầu xin thật nhiều, xin Chúa Thánh Thần tác động trong sự hiệp thông liên kết này..
Điều thứ hai, tôi chỉ biết cầu nguyện, không chỉ cầu nguyện cho hiệp nhất mà cầu nguyện cho Giờ của Chúa. Chúa sẽ làm mọi việc. Chúng ta phó thác vào Chúa. Tôi ước chi được mời gọi để chúng ta làm trong ánh sáng Tình yêu Thiên Chúa, và biết đâu một ngày nào đó chúng ta thật sự hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa!
Có người lại hỏi: Có cần thiết có Công Đồng Vaticanô III không? Nếu có thì CĐ Vaticanô sẽ như thế nào? Điều đó chỉ là điều mong ước, chúng ta chỉ biết cầu nguyện và xin cho có được điều ấy.
Sau tràng vỗ tay vui mừng thật lớn cũng là lúc kết thúc buổi giao lưu giữa các Hội Thánh tôn thờ một Thiên Chúa. Mọi người chụp ảnh lưu niệm trước khi chia tay ra về.
Nguồn: WGPSG