Trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, vào những năm giữa thế kỷ thứ XVIII, có một vị giám mục có sức ảnh hưởng lớn trong triều đại của Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh giai đoạn từ năm 1776 cho đến năm 1799, đó là Đức cha Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine, thường viết là Pigneau de Béhaine (Pi-nhô đờ Bê-hen) (sinh 02/02/1741, tạ thế 09/10/1799), tên Hán Việt gọi ngài là Đức cha Bá Đa Lộc hay còn gọi là Cha Cả. “Cha Cả” là tiếng dân miền Nam dùng để gọi Đức cha Bá Đa Lộc cách thân mật.
WGPSG/NSTM -- Vào một ngày kia khi tôi đang đi dạo, có người hỏi “Bá Đa Lộc là ai vậy?” Tôi trả lời “Đó là tên thánh Phêrô đọc theo âm Hán Việt.” Người ấy lại hỏi “Tên gọi Phêrô trong cổ ngữ Latinh của Giáo Hội là Petrus, chỉ có hai âm tiết, vậy tại sao lại dịch thành Bá Đa Lộc với ba âm tiết?” Tôi xin mạo muội tìm hiểu ý nghĩa chuyển ngữ của tiền nhân về tên của Vị Tông Đồ Tảng Đá.
Trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, vào những năm giữa thế kỷ thứ XVIII, có một vị giám mục có sức ảnh hưởng lớn trong triều đại của Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh giai đoạn từ năm 1776 cho đến năm 1799, đó là Đức cha Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine, thường viết là Pigneau de Béhaine (Pi-nhô đờ Bê-hen) (sinh 02/02/1741, tạ thế 09/10/1799), tên Hán Việt gọi ngài là Đức cha Bá Đa Lộc hay còn gọi là Cha Cả. “Cha Cả” là tiếng dân miền Nam dùng để gọi Đức cha Bá Đa Lộc cách thân mật.
Trong thời gian ở Pondichéry vùng đông nam Ấn Độ trong vịnh Bengale, ngài trau dồi ngoại ngữ và trở nên thông thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa. Năm 1771, ngài được Đức Giáo hoàng Clêmentê XIV tấn phong làm Giám mục Hiệu toà Adran, nên các sách sử cũng thường gọi ngài là Giám mục Adran, đồng thời ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Tông toà, phụ tá cho Đức cha Guillaume Piguel. Năm 1773, ngài đã biên soạn một bộ từ điển là Việt-Latinh “Dictionarium Anamitico-Latinum”, và sau đó được Đức cha Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838.
Vào cuối năm 1799, Đức cha Bá Đa Lộc tạ thế, Nguyễn Vương Nguyễn Thế Tổ sắc phong ngài là Thái Tử Thái Phó Bi Nhu Quận Công (太子太傅悲柔郡公), thụy là Trung Ý (忠懿), danh hiệu Bi Nhu
là phiên âm từ “Pigneau” trong tên của ngài, còn Quận Công là chức tước [1].
Trong sách sử có ghi lại rằng các giáo dân bản xứ nước Nam xưng gọi Đức cha Pierre Lambert de la Motte theo tên thánh của ngài là Đức thầy cả Vê-tô-rô[2]. Còn danh nhân Petrus Trương Vĩnh Ký thì gọi Đức cha Bá Đa Lộc là Đức thầy Vê-rô[3].
Người Việt biết đến ngài với tên Bá Đa Lộc (伯多祿[4]) vì tên rửa tội tiếng Pháp của ngài là Pierre, tiếng Latinh là Petrus, tiếng Bồ Đào Nha là Pedro, và tên Bá Đa Lộc được đơn âm hoá từ “Pedro” trong tiếng Bồ Đào Nha. Theo quyển “Lettre edifiantes et curieus écrites Des Missions étrangères: Mémoires de la Chine”, có đoạn lịch sử ghi lại rằng, người Hoa đã đọc từ “Pedro” trong tiếng Bồ Đào Nha thành từ “Pe-to-lo”[5] (đây là cách viết phiên âm ba âm tiết bằng tiếng Pháp của tác giả trong bản văn nêu trên, do ảnh hưởng của tiếng Pháp trên từ Petrus với phụ âm “t” nên phiên âm thành “Pe-to-lo”; vì thế, không dựa vào giá trị này để nghiên cứu, giải thích từ ngữ).
Cách phát âm từ “Pedro” chỉ hai âm tiết là “pe” và “dro” với một tổ hợp phụ âm “dr”. Âm tiết “pe” được đọc thành “bó” (âm đọc phiên âm Latinh theo Hán ngữ), còn âm tiết “dro” thì do Hán ngữ không có tổ hợp phụ âm “dr” nên phải tách ra thành hai phụ âm “d” và “r”. Phụ âm “d” được đọc theo nguyên âm “o” của âm tiết “dro” để thành “duō” (âm đọc phiên âm Latinh theo Hán ngữ), và Hán ngữ cũng không có phụ âm “r”, nên phụ âm “r” được chuyển thành phụ âm “l” và cũng được đọc theo nguyên âm “o” của âm tiết “dro” để thành “lù” (âm đọc phiên âm Latinh theo Hán ngữ). Theo nghiên cứu về cách phát âm thực tế của người Hoa cho thấy, họ không thuận lợi phát âm chữ “r” trong bảng chữ cái Latinh của ngoại ngữ.
Như vậy, do âm tiết “dro” phát âm không được, nên họ đã đọc tách thành hai âm tiết là “duō-lù”. Cách đọc từ “Pedro” vốn hai âm tiết thành từ “bó-duō-lù” mang ba âm tiết theo sự hiểu biết và cách lý giải của họ về ngôn ngữ lúc bấy giờ. Và khi chuyển dịch từ “bó-duō-lù” này sang chữ Hán, họ đã đặt chữ theo cách ghi âm đồng thanh tương đương thành chữ 伯多祿 (âm Hán Việt là Bá Đa Lộc) mà Giáo Hội Trung Hoa ngày nay vẫn đang sử dụng khi nói đến Vị Tông Đồ Trưởng Phêrô[6]. Cách đọc theo âm Quan Thoại của ba chữ Hán này là “bó-duō-lù”[7], hay theo âm Quảng Châu bằng tiếng Anh là “paàk-toh-lûk”[8], hoặc theo âm Quảng Đông bằng tiếng Việt là “pak-tó-lục”. Lúc đầu thì tiêu chí đặt những chữ này chủ yếu hướng giá trị về mặt ngữ âm, đọc làm sao cho giống với âm của nguyên ngữ gốc nhất, còn về mặt nghĩa của chữ chỉ là phần phụ.
Tuy nhiên, trong nghĩa của chữ, người chuyển dịch vẫn muốn thể hiện điều ý nghĩa, may mắn tốt lành nhất có thể theo quan niệm về đặt tên trong truyền thống của người Trung Hoa.
Ý nghĩa của chữ BÁ, ĐA và LỘC[9]
Bá (伯): [1] anh cả, anh trưởng; [2] tước bá, trong đời xưa là tước thứ ba trong năm tước: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.
Đa (多): [1] nhiều; [2] khen tốt, dôi ra, thừa ra; [3] ngoài, hơn.
Lộc (祿): [1] phúc, tốt lành; [2] bổng lộc; [3] thiên lộc.
Vậy ta có thể hiểu hàm ý chuyển dịch từ Bá Đa Lộc (伯多祿) cho tên của thánh Phêrô trong tiếng Bồ Đào Nha nhằm nói lên niềm khao khát sự viên mãn (Bá Đa) phúc lành (Lộc), và vị trí hàng đầu của ngài trong vai trò là Vị Tông Đồ Trưởng, được Chúa Giêsu chọn đích danh, làm nền móng dựng xây Hội Thánh của Người, ngài là Vị Tông Đồ nhiều diễm phúc hơn tất cả các Tông Đồ khác trong Nhóm Mười Hai (x. Mt 16,17-18). Nhưng ngài cũng phải gánh vác trọng trách lèo lái Hội Thánh lữ hành và chăn dắt, chăm sóc đoàn chiên của Chúa (x.Ga 21,15).
Ngoài ra trong Hoa ngữ còn dùng từ Bá Đạc (伯鐸) để dịch tên thánh Phêrô. Từ Bá (伯) nói lên vai trò Huynh Trưởng của thánh Phêrô trong Tông Đồ đoàn, từ Đạc[10](鐸) có nghĩa là cái chuông, là từ viết tắt của Tư Đạc (司鐸)[11].
Bá Đạc (伯鐸) có nghĩa là cái chuông trưởng (chuông chính) reo lên để cảnh tỉnh mọi người, hãy canh tân bản thân và đón nhận Tin Mừng của Thiên Chúa qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô để được ơn cứu độ. Bá Đạc cũng có thể hiểu là người đứng đầu hàng giáo sĩ.
Trong các bản văn Công giáo Việt Nam, hầu hết là phiên âm Latinh, rất ít trường hợp chuyển qua phiên âm Hán ngữ. Do trong Việt ngữ, phụ âm “p” không trực tiếp đi với nguyên âm mà chỉ có tổ hợp phụ âm “ph” nên âm tiết “pe” được chuyển thành “phê”, tổ hợp phụ âm “dr” cũng không có, nên được chuyển thành phụ âm “r”, âm tiết “dro”được chuyển thành “rô”. Vì vậy, từ Pedro được phiên âm Latinh theo Việt ngữ là Phê-rô.
Tại Việt Nam từ Bá Đa Lộc gọi theo cách chuyển dịch Hán Việt không phổ biến để nói đến tên của thánh Phêrô, nên trong cách bản dịch Thánh Kinh hay các ấn bản sách Công giáo đều dịch tên ngài là Phê-rô. Khi nhắc đến từ Bá Đa Lộc, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam trong hay ngoài Công giáo đều nghĩ ngay đến Đức cha Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine, và dường như một cách đặc biệt nào đó, danh xưng Bá Đa Lộc đã thuộc về ngài và được các sách sử Việt Nam ghi nhận. Còn ở tất cả các quốc gia Công giáo sử dụng Hoa ngữ, cho đến ngày nay vẫn đang sử dụng thuật từ Bá Đa Lộc (伯多祿) hay Bá Đạc (伯鐸) để gọi tên Vị Tông Đồ Trưởng Phêrô, người được Chúa trao nhiệm vụ Mục Tử đứng đầu toàn thể Hội Thánh lữ hành, và là đấng đang nắm giữ chìa khoá Nước Trời[12].
[1] Theo cha L. CADIÈRE, từ “Bá-Đa-Lộc” tên gọi bằng chữ Hán của Đức cha Pierre Pigneaux có nguồn gốc từ Đại Nam thực lục (大南實錄) là bộ biên niên sử Việt Nam viết về triều đại các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn. Bộ sách này do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn bằng chữ Hán gồm có hai phần: (1) Phần đầu gọi là Đại Nam thực lục Tiền biên (gồm 12 quyển) ghi chép các sự kiện lịch sử của 9 chúa Nguyễn Đàng trong từ Nguyễn Hoàng (1558) đến hết đời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1777). (2) Phần thứ hai là Đại Nam thực lục Chính biên (gồm 587 quyển, chia thành 8 kỷ), viết về triều đại các vua nhà Nguyễn, nhưng là phần chủ yếu của bộ biên niên sử. Cả hai phần Tiền biên và Chính biên được soạn bắt đầu từ năm 1821 (năm Minh Mạng thứ hai), đến năm 1909 mới cơ bản hoàn thành (còn thiếu 2 kỷ cuối). Đại Nam thực lục Chính biên (Kỷ thứ nhất: Đời Gia Long) có nhắc đến tên Đức cha Bá Đa Lộc (15 lần).
[2] A. LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, t.I, Paris, 1923, tr. 195-196: Ngày 25/12/1676, ba linh mục cùng với 100 kẻ giảng, trùm trưởng, biện, câu đương, tất cả là người Đàng Trong, đệ lên Đức Thánh Cha Clément X tờ biểu bằng chữ Nôm, tố cáo “Các thầy Dòng ông thánh I-nha-xu chẳng vâng phép Đức Thầy Cả Vê-tô-rô [Pedro: Pierre Lambert de la Motte] cùng cãi nhiều lẽ trái” (Bản Nôm gốc tại kho lưu trữ Hội Thừa Sai Paris).
[3] P. TRƯƠNG VĨNH KÝ, Sơ-Học-Dẫn, cuốn thứ nhứt, tr. 280: “... cũng trong tháng ấy Đức-thầy Vê-rô (Bá-Đa-Lộc) đau bệnh chết, chở xác về Gia-Định tống-táng trọng thể. Vua tặng phong là Thái-Tử Thái-Phó Pi-Nho Quận-Công...”.
[4] Từ伯多祿 (Bá Đa Lộc) này được viết trong điếu văn Đức cha của vua Gia Long năm ngài tạ thế 1799.
[5] Charles le GOBIEN et Jean-Baptiste du HALDE, Lettre edifiantes et curieus écrites des Missions étrangères: Mémoires de la Chine, Lyon: J. Venarel, 1819, tr. 451.
[6] Học giả Léopold CADIÈRE (1869-1955, MEP) bắt đầu cho đăng từ năm 1917 đến năm 1926, trên tập san Đô Thành Hiếu Cổ loạt bài tên là “Les Français au service de Gia Long” (Những người Pháp giúp Gia Long) (chủ yếu do cha Cadière viết, có thêm vài bài của Cosserat và Salles). Trong phần III: Leurs noms, titres et appelations annamites (Tên, chức vụ và tên Việt), năm 1920, trang 138, nói về Đức cha Pierre Pigneaux, tác giả chỉ ra nguồn gốc tên vị giám mục ghi trong Đại Nam Thực Lục (大南實錄) (là bộ biên niên sử Việt Nam viết về triều đại các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn) là Bách-Đa-Lộc (có thể đọc là Bá) và ông giải thích như sau: “Chúng ta thấy ở đây tên của Giám mục Adran viết sang chữ Hán. Ba chữ được dùng, bằng từ Hán Việt là Bách-Đa-Lộc, đọc sang tiếng Tầu là Pe-to-lou, những chữ này được người Tầu dùng để phiên âm chữ Pierre, dưới dạng Latinh là Pétrus, đọc là Petrous, hoặc dưới dạng Bồ Đào Nha là Pedro (...). Vậy Đức Giám mục Adran được người Việt gọi dưới tên rửa tội là Pierre. Trong nhà dòng ngoài Bắc, tên Pierre được gọi là Phê-rô, trong Nam gọi là Vê-rô (...). Nhưng Vê-rô là tiếng bình dân, không đủ sang trọng, không thể viết trong văn bản chính thức, thường dùng chữ Hán, cho nên người ta dùng từ Bách-Đa-Lộc.”
[7] Pinyin Latin = Phiên âm Latinh tiếng Quan Thoại.
[8] Việt Âm Vận Vị (粤音韻彙), A Chinese Syllabary Index Pronounced To The Cantonese Dialect By S. L. Wong, 1938. Chu âm theo The student’s Cantonese – English Dictionary by B. F. Meyer and Theodore F. Wempe of Maryknoll, 3rd edition, 1947, và Quảng Châu Âm Tự Điển của Trường Đại Học Sư Phạm Hoa Nam, 1985.
[9] THIỀU CHỬU, Hán Việt Tự Điển, Nxb. Tổng Hợp Tp.HCM, 2008, tr. 120, 338; và TRẦN VĂN CHÁNH, Từ Điển Hán Việt, Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Nxb. Trẻ Tp.HCM, 1999, tr. 138, 493, 1475.
[10] Thuật từ này có nguồn gốc từ sách Luận Ngữ, Bát Dật Đệ Tam: “Thiên tư dĩ phu tử vị mộc đạc”, nghĩa là “Trời sẽ dùng Khổng Tử như cái chuông lắc”, hàm ý cảnh tỉnh người đời bằng lời dạy và đời sống đạo đức, x. Tìm Hiểu Từ Vựng Công Giáo, Lm Huỳnh Trụ, 2012, tr 375.
[11] Những người chủ trì việc giáo hoá, nay gọi cho Linh Mục.