WGPSG -- Trong dịp lễ Phục sinh của thời đại dịch covid-19, đã có những tiếng nói và những sáng kiến rất đặc biệt.
ĐTC Phanxicô: Chúa phục sinh là món quà của niềm hy vọng và lòng can đảm
Trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, ĐTC đã kêu gọi các Kitô hữu hãy là “sứ giả của cuộc sống trong một thời điểm cái chết... Thật là đẹp khi trở thành Kitô hữu, người mang đến sự an ủi, người mang gánh nặng của người khác và là sứ giả của sự sống trong thời điểm chết!”.
Trong bài giảng, ĐTC nhấn mạnh đến việc tìm xác Chúa Giêsu và phản ứng của những người phụ nữ khi chỉ nhìn thấy ngôi mộ trống - một bi kịch bất ngờ xảy ra. Họ chỉ nhìn thấy cái chết và nó đè nặng lên trái tim họ. Nhưng hoàn cảnh không làm cho những phụ nữa trở nên tê liệt. Và khi Chúa Phục sinh hiện ra, con người đã nhận được một quyền cơ bản: quyền được hy vọng.
ĐTC kêu gọi mọi người đang trải qua đau khổ đừng tuyệt vọng: “Anh chị thân mến, ngay cả khi trong lòng đã chôn vùi hy vọng, đừng từ bỏ nó: Chúa vĩ đại hơn tất cả. Bóng tối và cái chết không có lời cuối cùng. Hãy mạnh mẽ lên, vì với Chúa không có gì là mất đi!” (theo CNA, Vatican News)
ĐHY Tagle: Đánh bại sợ hãi bằng niềm hy vọng Phục sinh và bằng đức tin không biên giới
Trong một thông điệp Phục Sinh, được công bố trên trang web của Caritas Internationalis, ĐHY Tagle đã mời gọi các tín hữu hãy đối mặt với thời điểm khó khăn của đại dịch với đức tin vững mạnh, không biên giới. Hãy đón nhận những gì chúng ta không thể thay đổi, hãy can đảm để thay đổi những gì chúng ta có thể, hãy cầu nguyện để tìm ra ý nghĩa sâu sắc hơn của thử thách này. Đó là cách đưa đến sự phục sinh.
Sau đó, ĐHY đã chỉ ra những “thành quả tích cực” mà đại dịch mang lại: tình liên đới giữa nhân lọai, chiến tranh tạm hoãn, môi trường trong lành hơn, chất lượng của sân bay và chuyến bay được cải thiện…
Cuối cùng ĐHY nhấn mạnh: Chúa Giêsu ở lại ngôi mộ trong một thời gian ngắn trước khi vươn lên đến sống đời đời. Cái chết không là tiếng nói cuối cùng khi con người tạo được không gian cho niềm hy vọng. (x. Vatican News)
Lễ Phục sinh: Các sáng kiến của Giáo hội trên khắp thế giới
Những ngày lễ quan trọng như Phục Sinh và Giáng Sinh thường được đánh dấu bằng các nghi thức long trọng và được tín hữu tham dự với số lượng lớn. Năm nay, do đại dịch Covid-19, các nghi thức thánh lễ Phục Sinh chỉ được truyền hình trực tiếp trên các phương tiện truyền thông. Dẫu vậy, Giáo hội và cộng đồng tin hữu trên khắp thế giới đã tìm ra những cách sáng tạo để bày tỏ niềm hy vọng, sự đoàn kết và tình yêu mà Chúa Phục sinh ban tặng.
Tại Châu Âu
Các giám mục Công giáo của Châu Âu mời gọi các tín hữu thắp một ngọn nến trước cửa sổ vào đêm trước lễ Phục sinh và cầu nguyện cho thế giới trong hỗn loạn và sợ hãi của đại dịch Covid-19. "Đó là một cử chỉ hy vọng nhỏ nhưng có ý nghĩa và mang tính biểu tượng trong thời điểm lịch sử và kịch tính này”.
Hà Lan
Các giáo xứ trên khắp Hà Lan đã được mời rung chuông nhà thờ cùng một thời điểm trong 15 phút vào trưa Chủ nhật Phục sinh và Thứ Hai Phục sinh, để bày tỏ sự gần gũi của các mục tử với các tín hữu vào thời điểm không thể cùng nhau cử hành phụng vụ và chia sẻ giây phút cầu nguyện, cũng là để kêu gọi các tín hữu tham dự thánh lễ.
Ba Lan
Tại Ba Lan - nơi có truyền thống dâng những giỏ thức ăn trong phụng vụ Phục sinh - các tín hữu vẫn được mời làm như vậy thông qua trực tuyến. Linh mục Andrianik - người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Ba Lan - đã khẳng định: "Bất chấp những hạn chế, chúng tôi sẽ không từ bỏ việc chuẩn bị những giỏ trứng Phục sinh”.
Vào Chủ nhật Phục Sinh, một thành viên trong gia đình sẽ đọc công thức ban phước (được tải xuống từ trang web của Hội nghị Giám mục hoặc các giáo phận) và trình bày những bức ảnh về giỏ trứng Phục sinh của họ trên phương tiện truyền thông xã hội.
Ý
Cộng đoàn Sant'Egidio tổ chức bữa ăn trưa cho người nghèo vào Chúa nhật Phục sinh và Thứ Hai Phục Sinh tại Roma, để bất kì ai cũng được hưởng trọn vẹn niềm vui Chúa Phục Sinh. (x. Vatican News)
Livestream buổi hòa nhạc Phục sinh từ nhà thờ Milan
Ca sĩ opera người Ý nổi tiếng - Andrea Bocelli - sẽ livestream vào Chúa nhật Phục sinh một buổi hòa nhạc solo từ Nhà thờ Santa Maria Nascente ở Milan, nhằm mục đích gửi một thông điệp về hy vọng, tình yêu và sự chữa lành đến thế giới trong bối cảnh đại dịch coronavirus toàn cầu.
Andrea Bocelli chia sẻ: “Tôi tin vào sức mạnh của việc cầu nguyện cùng nhau. Tôi tin vào Lễ Phục sinh của Kitô giáo, một biểu tượng phổ quát về sự tái sinh mà tất cả mọi người - dù họ có phải là tín đồ hay không - thực sự cần ngay bây giờ”.(theo CNA)
WGPSG tổng hợp