“Tôi không thể thay đổi quá khứ, nhưng với tình yêu tôi có thể thay đổi tương lai”. Bà Phan Thị Kim Phúc - “Em bé Napalm” năm xưa đã xác quyết như trên sau 47 năm phải chịu đựng hậu quả chiến tranh. Bà thanh thản nói điều này với chính mình và truyền thông thế giới, mặc dù vết thương trên thân mình vẫn còn làm bà đau đớn.
Phan Thị Kim Phúc, hay còn được gọi là “Em bé Napalm”, sinh năm 1963, người Canada gốc Việt, nổi tiếng với bức ảnh được trao Giải Pulitzer chụp ngày 8 tháng 6 năm 1972 tại Trảng Bàng, do nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng thông tấn Associated Press, ghi lại hình ảnh một cô bé chín tuổi, da thịt và áo quần bị đốt cháy do bị bỏng nặng bởi bom napalm, khi em đang di tản khỏi ngôi làng của mình.
Tấm ảnh trở nên một trong những hình tượng ám ảnh nhất của Chiến tranh Việt Nam. Nhiều năm sau, trong một cuộc phỏng vấn, Kim Phúc thuật lại rằng trong bức ảnh cô đang kêu la "Nóng quá, nóng quá". Ngay ngày hôm sau, tấm ảnh được đưa lên trang bìa của tờ New York Times. Về sau, tác giả của nó được trao Giải Pulitzer và bức ảnh được chọn làm Ảnh Báo chí Thế giới Năm 1972. Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.
Nhiếp ảnh Nick Út đưa Kim Phúc và những đứa trẻ đang bị thương khác vào Bệnh viện Barksy ở Sài Gòn. Vết thương quá nặng nên người ta không tin là cô bé có thể sống sót. Tuy nhiên, sau 14 tháng điều trị tại bệnh viện và phải trải qua 17 cuộc phẫu thuật, Kim Phúc được về nhà. Nick Út tiếp tục viếng thăm cô cho đến khi ông rời Sài Gòn năm 1975.
Về sau, Kim Phúc kể lại những ngày tháng đau thương khi bà cố gắng phục hồi vết bỏng do bom napalm: "Đau đớn không thể nào tưởng tượng được. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ mình sẽ chết đi. Tôi cảm thấy tức giận, cay đắng. Tôi vô vọng, mọi thứ đều tiêu cực. Tôi biết mình không thể sống như thế này mãi mãi. Nhưng sức mạnh sâu thẳm bên trong của một cô gái nhỏ đã giúp tôi vượt qua".
Có điều gì bí ẩn ở đây mà tại sao một người đã có những nổi đau như vậy lại có thể thốt ra những lời tha thứ và lạc quan như thế? Thưa, đó là một đức tin kiên vững đến từ thể xác, con tim, linh hồn. Với niềm tin này, bà đã cho xuất bản cuốn sách có tựa đề “Được cứu từ hỏa ngục”; nội dung kể lại hành trình thiêng liêng dẫn đến một sự thanh thản mà hiện nay bà có được.
Bà chia sẻ: “Tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi, tự chất vấn: Tại sao lại là tôi? Tại sao điều này xảy ra? Tôi cần câu trả lời".
Trước đó bà đã là tín đồ của một tôn giáo ở Trung Quốc, và bà dựa vào giáo lý của tôn giáo này để tìm câu trả lời cho những nỗi đau của mình. Nhưng như bà nói: "Tôi rất sùng đạo nhưng khi màn đêm xuống, tôi vẫn không có bình an, không có tình yêu, với một tâm hồn trống rỗng".
"Một bước ngoặt trong cuộc đời tôi": Khi được mời kể lại hành trình tìm lại chính mình, bà Kim Phúc nói về những đau khổ nhưng luôn với nụ cười nở trên khuôn mặt, một khuôn mặt mà đôi lúc biểu lộ cảm xúc căng thẳng khó kiểm soát. Nhưng bà cố gắng tiếp tục mỉm cười và đưa tay đặt lên trái tim, nhẹ nhàng cúi xuống và cương quyết chia sẻ tiếp câu chuyện của mình: “Năm 19 tuổi, tôi đến một thư viện, và tìm đọc tất cả các sách Công giáo, trong số đó tôi tìm thấy một cuốn Tân Ước. Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi”.
Đó là một bước ngoặt mà bà muốn kể lại để truyền tải một tinh thần “hòa bình và hy vọng”. Bà cho biết, trong cuốn sách của bà, bà không hề nói về tôn giáo, nhưng nói về niềm tin, về chính đức tin của bà, về cách mà bà được tự do trong tâm hồn. Theo bà, trong hình trình cuộc sống đầy biến động từ Việt Nam tới Cuba bà phải đối diện với những cuộc phiêu lưu, những đau khổ; và bốn năm qua bà đã trải qua 11 lần điều trị bằng laser nhưng với ý chí và niềm tin mạnh mẽ bà đã vượt qua tất cả. Người phụ nữ cười nhẹ nhàng, lịch sự nói: “Chính Chúa Giêsu cho tôi sức mạnh”.
Ngọc Yến - Vatican