...phát triển phải giúp con người đối diện với nhu cầu về mặt vật chất, thiêng liêng và quan hệ của mình. Trong sự phát triển nhân bản toàn diện, ba chiều kích này của con người được ở trong thế quân bình...
Kể từ ngày 1 tháng 1-2017, một bộ mới của Giáo triều La Mã được thành lập để lo việc «phát triển nhân bản toàn diện». Bộ gồm bốn cựu Hội đồng Tòa Thánh nhập lại: Công lý và Hòa bình, Cor Unum Đồng tâm, Mục vụ di dân và Mục vụ các nhân viên y tế. Sau đây là năm điểm giải thích khái niệm trọng tâm này của Đức Giáo hoàng.
-
Theo kim chỉ nam truyền thống kitô giáo
Nhà khảo luận Patrice de Plunkett, tác giả quyển
Đối diện với Thần tài, cuộc cách mạng của Đức Phanxicô (
Face à l’idole Argent, la révolution du pape François, nhà xuất bản Artège) giải thích: «Tất nhiên Đức Phanxicô cũng chủ trương như Đức Phaolô VI, Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, «phát triển mọi người và mỗi người» (triển nở). Cụm từ «mọi người và mỗi người» không phải mới, nó đã được Đức Phaolô VI dùng trong
Thông điệp Phát triển các Dân tộc (Populorum Progressio năm 1967): «Sự phát triển không chỉ đơn thuần phát triển kinh tế. Để phát triển đích thực thì phải toàn diện, có nghĩa là cổ động cho mọi người và cho mỗi người».
Ngày 30 tháng 8-2016, Đức Phanxicô đã viết trong tự sắc thành lập bộ mới: «Sự phát triển nhân bản toàn diện này được thực hiện qua điều lợi ích không thể đo lường được của công lý, hòa bình và bảo vệ công trình tạo dựng». Theo ông Patrice de Plunkett, đây cũng là điểm sát gần trong đường hướng truyền thống kitô giáo và của các giáo hoàng tiền nhiệm. Bộ ba không tách rời ‘công lý-hòa bình-môi sinh’ là bộ ba liên tục của Giáo huấn kinh tế và xã hội có từ thời Đức Phaolô VI». Nhà khảo luận trích lại sứ điệp ngày 1 tháng 1 năm 1990 của Đức Gioan-Phaolô II, «vì hoàn toàn phó cho sự tàn phá của hệ thống kinh tế bất công của chúng ta, mà công trình tạo dựng phải hứng chịu».
Như thế thì không có gì mới? Không hẳn vậy. Ông Gaultier Bès, phó giám đốc tạp chí về môi sinh
Giới hạn (Limite) uyển chuyển hơn, theo ông, sự kiện phối hợp hai tính từ «nhân bản» và «toàn diện» là một điểm mới. Cụm từ «phát triển nhân bản toàn diện» là tổng hợp giữa «phát triển toàn diện» mà Đức Phaolô VI đã nói, «môi sinh nhân bản» của Đức Bênêđictô XVI và «môi sinh toàn diện» của
Thông điệp Chúc tụng Chúa. «Đức Phanxicô tổng hợp tất cả các việc này và chứng tỏ cho thấy, không có tương phản giữa các lãnh vực kinh tế và xã hội, môi sinh và trách nhiệm luân lý trong các vấn đề sinh lý.»
-
Quan tâm đến người bị loại trừ
Tất cả mọi người phải được sáp nhập trong sự phát triển nhân bản. Đó là ý nghĩa tinh thần của Đức Phanxicô về các vùng ngoại vi và về «văn hóa loại bỏ». Các chủ đề trọng tâm từ buổi đầu triều giáo hoàng của ngài.
Còn về phần ông Jean-Baptiste de Foucault thì ông nhận xét: «Đức Phanxicô mời gọi chúng ta ra vùng ngoại vi để giúp những người đang thiếu thốn trong tinh thần phù hợp với sứ điệp Phúc Âm. Ngài làm việc này trong một bối cảnh mới, bối cảnh của nạn thất nghiệp và ngài dùng với các chữ tương đối mới, trong nhãn quan của một nền dân chủ đã được thiết lập. Trong nghĩa không có thái độ ban ơn ở đây: phải đến vùng ngoại vi với họ, chứ không hạ cố đến họ. Điều này không bẻ gãy truyền thống nhưng làm mới lại một cách khá sâu đậm». Ông Jean-Baptiste de Foucault là tác giả quyển sách
«Sung túc trong thanh đạm, cho một tinh thần đoàn kết mới»
(L’abondance frugale, pour une nouvelle solidarité, nhà xuất bản Odile Jacob), ông cũng là điều phối viên của «Hiệp ước Dân sự, Pacte Civique».
-
Môi sinh
Một trong các điểm đặc biệt của Đức Phanxicô là ngài đặt lên hàng đầu nhãn quan về môi sinh trong chính sự «phát triển toàn diện». Ông Jean-Baptiste de Foucault ghi nhận, «điều Giáo hội công giáo thường hay quên».
Ông Patrice de Plunkett nhấn mạnh: «Một trong các tầm vóc nền tảng của một người là phần trách nhiệm của mình đối với phần còn lại của tạo dựng, phần đã được Đấng Tạo hóa giao cho mình. Phần môi sinh toàn diện này ‘nảy sinh ra chính trong đức tin’, có nghĩa là cuộc gặp gỡ của từng cá nhân với Chúa Kitô. Vì thế môi sinh không phải là một suy nghĩ riêng biệt nhưng nó là một phần trong các tầm vóc của con người».
-
Chống thần tài
Đó là chủ đề lặp lui lặp tới của Đức Phanxicô: «Nói không với ngẫu tượng mới là ngẫu tượng tiền bạc», ngài nói trong
Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium.) Bởi vì thờ ngẫu tượng dẫn đến «sự phủ nhận tính ưu việt của con người». Ông Gaultier Bès giải thích: «Việc phát triển kinh tế phải phục vụ con người, chứ không phải là cùng đích».
Còn theo ông Patrice de Plunkett, «thật ngược đời cho hệ thống kinh tế của chúng ta, một hệ thống chặt cụt con người trong tầm kích không-thương mại của nó nhưng lại biến nó thành người tiêu thụ hàng hóa».
-
«Tất cả đều gắn kết»: nghĩ đến toàn bộ
Ông Patrice de Plunkett nhận xét: «Điều nổi bật nơi Đức Phanxicô là ngài khăng khăng trong lôgic của ngài về lệnh tối thượng «tất cả đều gắn kết» (trong Thông điệp Chúc tụng Chúa). Theo tác giả, đó là «thương hiệu riêng của Đức Phanxicô». Cụm từ này được nhắc đi nhắc lại hàng chục lần trong Thông điệp Chúc tụng Chúa.
Tuy nhiên đó là tầm nhìn của tất cả những gì còn thiếu của ngày hôm nay. Ông Jean-Baptiste de Foucault giải thích: «Xã hội chúng ta bị một chiều hóa, với ưu tiên hàng đầu là kinh tế phải cuốn tất cả trên đường đi của nó. Tiến bộ kinh tế đã trở thành một giá trị siêu việt áp đặt trên xã hội dân chủ. Nó không phục vụ con người nhưng bắt con người phục vụ nó. Đứng trước vấn đề này, «phát triển phải giúp con người đối diện với nhu cầu về mặt vật chất, thiêng liêng và quan hệ của mình. Trong sự phát triển nhân bản toàn diện, ba chiều kích này của con người được ở trong thế quân bình».
Về mặt triết học, tác giả Jean-Baptiste de Foucault nhận xét, Đức Phanxicô không sợ khi dùng «các khía cạnh tốt của chủ nghĩa mác-xít» khi suy nghĩ đến tính khác biệt «trên cơ sở chung», ngược với «cái nhìn trừu tượng của tính khác biệt, xem nó như một chân trời không thể vượt qua được, một suy nghĩ được triển khai ở thế kỷ 20 khi đứng trước hiểm họa của chủ nghĩa toàn trị, đặc biệt là với Lévinas và Derrida». Trong
Thông điệp Chúc tụng Chúa, «Đức Giáo hoàng chỉ cho chúng ta thấy, chúng ta là một phần của tổng thể: con người không phải là chủ thể kiểm soát thế giới và xem thế giới như một vật thể». Vẫn tôn trọng sự khác biệt, Đức Phanxicô nghĩ về con người và thế giới trong tổng thể của nó mà không rơi vào chủ nghĩa toàn trị. Với Thiên Chúa là chân trời của tư tưởng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Nguồn: phanxico.vn