Hãy cẩn thận, đừng trở thành “những Kitô hữu hâm hẩm” vì khi ấy, chúng ta đánh mất ánh sáng của Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta
. Đức Thánh Cha chỉ ra rằng, Thiên Chúa luôn cố gắng sửa lỗi chúng ta, để thức tỉnh tâm hồn chúng ta, để làm cho tâm hồn chúng ta nồng ấm. Đức Thánh Cha cũng mời gọi mọi người hãy nhận ta ngày giờ Chúa gõ cửa tâm hồn.
Đức Thánh Cha chia sẻ bài giảng khởi đi từ bài đọc trích sách Khải Huyền. Trong đó, thánh Gioan cảnh báo sự thờ ơ nửa vời trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Khi ấy, Chúa dùng ngôn từ rất mạnh để nói với “những Kitô hữu không nóng mà cũng chẳng lạnh” mà rằng: “Vì ngươi hâm hẩm, không nóng mà cũng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.”
Nơi bình an giả tạo, không có Thiên Chúa hiện diện
Không có một loại bình an mà yên tĩnh đến lạnh lẽo. Điều gì làm nên sự ấm áp? Có thể là nghĩ mình giàu có! Có thể cho rằng, mình giàu rồi và chẳng cần gì nữa! Và thế là bình an. Đây là sự bình an giả tạo. Khi linh hồn của giáo hội, của gia đình, của cộng đoàn luôn luôn yên tĩnh, thì không có Thiên Chúa.
Không thể rơi vào sự yên tâm giả tạo rằng, tôi không cần bất cứ điều gì và tôi cũng chẳng làm tổn thương bất kỳ ai. Chúa cảnh báo những người tự coi mình là giàu có theo kiểu tự đủ rằng, thực sự họ đang bất hạnh và đau khổ. Tuy nhiên, có một tình yêu có thể giúp họ khám phá sự phong phú và sức sống. Tình yêu ấy chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi.
Giàu có theo kiểu không cần gì nữa, lại có nghĩa là đang trần trụi
Chẳng phải là tâm hồn lành mạnh khi nghĩ rằng mình giàu có bởi vì mình tốt lành, vì mình làm mọi việc đều tốt và tất cả đều êm đẹp. Có một thứ lành mạnh đến từ Thiên Chúa, Đấng luôn vác thập giá, Đấng luôn mang lấy bão tố, Đấng làm cho tâm hồn con người thức tỉnh. Lời khuyên là: hãy mua áo trắng tinh tuyền để mặc, bởi vì bạn đang trần trụi và xấu hổ. Những người hâm hẩm không nhận ra là mình trần trụi, giống như câu chuyện về đứa trẻ nói với ông vua trần truồng rằng: ngài là vua nhưng là vua trần truồng. Với ông vua ấy, có một sự ấm áp sung túc nhưng lại trần trụi.
Loại sung túc đầy đủ ấy lấy mất khỏi chúng ta khả năng chiêm ngưỡng, khả năng nhìn thấy những điều tuyệt vời và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Và khi ấy, Thiên Chúa cố gắng đánh thức lòng người, để giúp giúp họ thay lòng đổi dạ. Tuy nhiên, có một cách thức khác để Thiên Chúa hoạt động. Đó là cách Ngài mời gọi chúng ta: “Này, Ta đứng trước cửa mà gõ.” Thật là quan trọng cho chúng ta khi có thể cảm nhận và nghe được tiếng gõ cửa của Thiên Chúa, vì Ngài muốn làm điều tốt cho chúng ta, vì Ngài muốn bước vào nhà chúng ta.
Nhận ra tiếng gõ cửa của Thiên Chúa
Có những Kitô hữu nói rằng, họ chẳng thể nhận ra được: khi nào Chúa gõ cửa. Vì với họ, mọi tiếng động đều như nhau. Thế nên, chúng ta cần biết được khi nào Chúa gõ cửa, khi nào Ngài mang lại niềm an ủi cho chúng ta. Có thể Chúa đứng trước chúng ta và muốn nhận lời mời từ chúng ta. Những gì đã xảy ra cho ông Zakêu trong bài Tin Mừng hôm nay? Cái tò mò muốn nhìn thấy Chúa Giêsu của ông, cách nào đó được tác động bởi Chúa Thánh Thần.
Sáng kiến và lời mời đến từ Thần Khí Thiên Chúa, đến từ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn lên Zakêu và nói: Hôm nay Ta sẽ ở lại nhà ông. Chúa luôn ở lại… ở lại trong tình yêu mến: hoặc là Ngài sửa lỗi chúng ta, hoặc là Ngài mời ta ăn tối hoặc là Ngài được ta mời. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy thức dậy!”. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy mở ra!”. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy xuống đi!”. Luôn luôn là Ngài. Con có biết phân biệt hay không, trong trái tim con, khi nào Chúa muốn “đánh thức” con, khi nào Chúa nói với con là “mở ra”, khi nào Chúa nói với con là “hãy xuống đi”? Xin Chúa Thánh Thần ban cho con ân sủng để con có thể nhận ra những tiếng gọi của Chúa trong trái tim con.
Tứ Quyết SJ
Nguồn: Radio Vatican