Theo báo cáo của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ mang tựa đề Missing Out, bỏ sót, trên toàn trái đất hiện nay, có khoảng 3,7 triệu trẻ em tỵ nạn không được cắp sách đi học. Trong số này gần một nửa ở lớp tuổi tiểu học. Khi trở thành thiếu niên, chỉ có 22% các em này được theo bậc trung học và chỉ có 1% tổng số trẻ em tỵ nạn là lên đến bậc đại học.
Phải ghi khắc trong tâm trí chúng ta rằng chỉ có giáo dục mới giúp một trẻ em tỵ nạn viết lại lịch sử đời mình được. Đó là tựa đề một chiến dịch gây ý thức và quyên góp ngân quỹ do Cao Ủy tỵ nạn LHQ phát động hôm 21.11 nhắm thăng tiến giáo dục các trẻ em tỵ nạn. Chiến dịch đề cao tầm quan trọng sinh tử của giáo dục đối với sự sống còn và tương lai của hàng triệu trẻ em tỵ nạn hiện nay tại 12 quốc gia trên toàn thế giới, trong số này có Siria và Kenya.
Theo báo cáo của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ mang tựa đề Missing Out, bỏ sót, trên toàn trái đất hiện nay, có khoảng 3,7 triệu trẻ em tỵ nạn không được cắp sách đi học. Trong số này gần một nửa ở lớp tuổi tiểu học. Khi trở thành thiếu niên, chỉ có 22% các em này được theo bậc trung học và chỉ có 1% tổng số trẻ em tỵ nạn là lên đến bậc đại học.
Bà Carlotta Sami, người phát ngôn của Cao Ủy tỵ nạn LHQ vùng nam Âu châu, nhận định rằng, đối với chúng tôi, giáo dục có ưu tiên tuyệt đối. Để sống còn, một trẻ em tỵ nạn cần giáo dục học đường như là cần lều ở, thức ăn và thuốc men vậy. Trường học là nơi che chở, bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành hay nguy hiểm bị lạm dụng, bị ép buộc thành hôn hoặc thai nghén quá sớm. Cung cấp cho trẻ em tỵ nạn cơ hội được học hành là cống hiến cho chúng cơ may hội nhập vào xã hội và khả thể thắng vượt khủng hoảng vì chiến tranh đã trải qua. Học đường giúp trẻ em phục hồi cuộc sống, có cơ may đào tạo tương lai và giúp xây dựng một thế giới không còn chiến tranh. Thế nhưng để có thể thực hiện hoài bão này, bà Sami nói, chúng tôi cần đến sự bảo trợ của tất cả mọi người.
Cao Ủy tỵ nạn LHQ cho biết ngân quỹ quyên góp được sẽ dành cho chương trình Educate a Child, “Giáo dục một trẻ em”, khởi động từ năm 2012 tại 12 quốc gia Ciad, Etiopia, Iran, Malaysia, Pakistan, Ruanda, Siria, Sudan, Nam Sdan, Uganda, Kenya và Yemen.
Trong 4 năm đầu, chương trình này đã đảm bảo việc giáo dục cho khoảng 570 ngàn trẻ em tỵ nạn, xây cất hay trùng tu 148 trường sở với 1652 lớp học tại 12 nước nói trên, trả lương cho 3000 nhà giáo và đào tạo trên 500 người khác để dạy dỗ trẻ em từng bị tổn hại vì chiến tranh. Ngoài ra chương trình cũng đã phân phát sách giáo khoa và dụng cụ học đường cho tất cả các trẻ em tỵ nạn. (ADN 21.11.2016)
Mai Anh
Nguồn: Radio Vatican