A. Phân tích ( Hạt giống ...)
Đang khi Đức Giê-su ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: "Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!" Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?" Họ đáp: "Thưa Ngài, chúng tôi tin." Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: "Các anh tin thế nào thì được như vậy." Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: "Coi chừng, đừng cho ai biết!" Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.
Chuyện này có hai vai :
a. Chúa Giêsu :
- Ngài không muốn cho đám đông dân chúng biết phép lạ Ngài làm. Bởi đó khi hai người mù xin Ngài cứu giúp ở chỗ đông người thì Ngài không đáp lại gì cả. Khi về tới nhà, Ngài mới cứu chữa họ. Cứu chữa họ xong, Ngài “nghiêm giọng” bảo họ “đừng cho ai biết”. Lý do : Chúa Giêsu không muốn người ta tin theo Ngài chỉ vì phép lạ.
- Ngài nhấn mạnh tới lòng tin : trước khi làm phép lạ, Ngài hỏi “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không ?”. Sau khi làm phép lạ, Ngài nói “Các anh tin thế nào thì được như vậy.”
b. Hai người mù : đức tin họ rất mạnh
- Họ gọi Chúa Giêsu là “Con Vua Đavít”, tức là tước hiệu người ta gọi Đấng Messia.
- Ban đầu Chúa Giêsu không đáp ứng, nhưng họ cứ theo Ngài cho tới nhà.
- Khi Ngài hỏi, họ tuyên xưng đức tin “Thưa Ngài, chúng tôi tin”.
- Chính Chúa Giêsu nói phép lạ họ được là kết quả của lòng họ tin : “Các anh tin thế nào thì được như vậy”.
* Riêng chi tiết câu 31 (Chúa Giêsu bảo họ đừng cho ai biết, “nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Ngài trong khắp cả vùng”) : xem ra họ không vâng lời Chúa Giêsu. Nhưng các nhà chú giải nghĩ rằng Mt viết câu này cho tín hữu trong Giáo Hội thời kỳ sau khi Chúa Giêsu sống lại. Trước khi Chúa Giêsu sống lại thì Ngài muốn giữ “bí mật Messia” kẻo người ta theo Ngài chỉ vì phép lạ. Nhưng sau khi Ngài đã sống lại rồi thì không cần giữ bí mật ấy nữa, trái lại càng phải “bật mí” để cho nhiều người biết Ngài.
B. Suy niệm ( ... nảy mầm)
1. Chủ đề bài đọc Cựu Ước, và sẽ được ứng nghiệm rõ ràng trong đoạn TM : ‘Ngày đó mắt người mù sẽ được xem thấy”.
2. “Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Chỉ trong Ngài chúng ta mới thực sự là người được sáng mắt ; chỉ trong Ngài chúng ta mới biết chúng ta là ai ? sẽ đi về đâu ? và đâu là ý nghĩa cuộc sống ? Nhưng dĩ nhiên, để có thể tiếp nhận ánh sáng của Chúa Kitô, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải ý thức được sự mù lòa của mình và quyết tâm ra khỏi sự mù lòa ấy” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
3. Có nhiều loại mù : mù loà, mù chữ, mù vi tính… nhưng mù không nhận ra Chúa là ánh sáng đời mình có lẽ là tai hại hơn cả. - Người mù đã dùng đức tin mà đi tới Ánh Sáng thật. Hay nói cách khác, có một cách lần tới được ánh sáng một cách thần diệu, đó là đức tin.
4. Trong đời sống đạo, khi nhận ra mình đang mù và mong tìm về ánh sáng đó là những bước khởi đầu rất tốt cho sự hoán cải và sẽ được biến đổi.
5. Tự phụ đến mù quáng : Con sư tử đến hỏi con tê giác “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Con tê giác đáp “Là sư tử chứ ai”. Sung sướng quá, sư tử đến hỏi con hà mã “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Và hà mã cũng trả lời “Là sư tử chứ ai”. Sư tử lại đến hỏi con voi “Ai là chúa tể khu rừng này ?”. Voi chẳng nói chẳng rằng, dùng vòi túm lấy sư tử, quăng nó lên trời. Khi rơi xuống đất, con sư tử chóng váng mặt này, mình mẫy ê ẩm, nhưng cũng rán nói vớt vát : “Vì mi ngu quá chẳng trả lời nổi câu hỏi của ta nên ta không thèm ăn thua với mi” (Lon Jacobe).
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái