A. Phân tích ( Hạt giống ...)
Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: "Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm." Người nói: "Chính tôi sẽ đến chữa nó." Viên đại đội trưởng đáp: "Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi!", là nó đi, bảo người kia: "Đến!", là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này!", là nó làm." Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.
Chúa Giêsu đã đánh giá viên đại đội trưởng như thế này : “Tôi bảo thật các ông : tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế”. Mỗi khi Chúa Giêsu mở đầu câu nói bằng công thức “Tôi bảo thật” thì câu nói đó có tầm quan trọng đặc biệt. Vậy đức tin của ông này như thế nào ?
- Ông là người “ngoại”
- Ông là người Rôma, kẻ cai trị, thế mà hạ mình van xin Chúa Giêsu là kẻ bị trị. Ông còn nói “Tôi chẳng đáng được Ngài vào nhà tôi”.
- Ông van xin Chúa Giêsu không phải cho ông mà cho đầy tớ của ông
- Đại ý lý luận của ông (câu 9) : tuy tôi chỉ có ít quyền nhưng cũng có thể sai khiến thuộc hạ, huống chi Ngài là kẻ có nhiều quyền.
- Ông tin Chúa Giêsu không cần đến nhà ông, chỉ cần nói một lời là đầy tớ ông được khỏi bệnh.
Đáp lại lòng tin của ông, Chúa Giêsu đã làm một phép lạ đặc biệt theo kiểu “từ xa” (“remote control”).
B. Suy niệm ( ... nảy mầm)
1. Chủ đề của bài đọc Cựu Ước và đáp ca :
- Câu tóm tắt ở đầu bài đọc Cựu Ước : “Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người…” - Bài Phúc Âm minh hoạ cảnh muôn dân vào nước Chúa.
- Câu đáp của bài đáp ca : “Ôi, tôi vui sướng biết bao khi nghe nói : Chúng ta sẽ về nhà Chúa”.
2. “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời sẽ bị quẳng ra chỗ tối tăm bên ngoài” (cc 11-12). Chúa Giêsu xuống trần để ban ơn cứu độ cho mọi người. Nhưng để được cứu độ thì phải có Đức Tin. Chúng ta là “con cái Nước Trời”, tuy thế nếu không có đức tin thì cũng không được cứu độ. Nhưng thế nào là có đức tin ?...
3. “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”. Đoạn TM này chúng ta đọc hằng ngày trước khi lên rước lễ, chúng ta có ý thức đầy đủ không ?
4. Người ngoại trong đoạn TM này đến với CG trong tâm tình : tin tưởng, khiêm tốn, tế nhị và đầy lòng bác ái thương người. Tôi thử rà lại xem “tính chất người ngoại dễ thương đầy tính nhân bản này” có nhiều ở nơi tôi không ?
5. “Một doanh nhân giàu có ở một Tiểu bang nam Hoa Kỳ có sáng kiến ngộ nghĩnh để thử lòng người : ông cho in rất nhiều bích chương và dán khắp nơi trong thành phố nơi ông đang ở. Đại khái nội dung những tấm bích chương loan báo : bất cứ ai mắc nợ, nếu đến văn phòng của ông ngày đó, tháng đó từ 9g-12g đều được ông giúp đỡ để trả nợ. Dĩ nhiên mọi người đều bàn tán về lời mời gọi này, nhưng đa số đã xem đây là một trò đùa. Đúng ngày hẹn, doanh nhân đến ngồi trong văn phòng của mình. Hai giờ đồng hồ trôi qua mà không thấy người nào đến. Mãi tới 11g mới có một người đàn ông rụt rè đến... Doanh nhân ký cho ông một ngân phiếu để trả hết nợ. Gần 12g một vài người nữa cũng đến... và dĩ nhiên họ cũng được giúp đỡ tận tình. Còn tất cả những người khác khi hiểu được lời mời gọi của doanh nhân thì đã quá muộn. Khi người ta không tin ở lòng tốt của con người, thì làm sao có thể tin tưởng ở lòng tốt của Thiên Chúa ?” (trích "Mỗi ngày một tin vui")
6. “Thấy viên đại đội trưởng có lòng tin mạnh mẽ, Chúa Giêsu thán phục và nói với những kẻ theo Người rằng “Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin mạnh như thế” (Mt 8,10)
Nói về lòng tin của tôi hôm nay, có lẽ Chúa Giêsu cũng ngạc nhiên mà bảo rằng “Không có một lòng tin nào như thế !”. Vì khi đời nở hoa, tôi cảm thấy tự tin và yêu thương cuộc sống. Những lúc ấy tôi thấy Chúa nhân hậu, tốt lành… Nhưng cuộc đời lại có những bước trầm, hoàn cảnh thì mờ mịt mà sức người có hạn, tôi buông xuôi tất cả, tôi cũng chẳng tin gì nữa, kể cả Thiên Chúa. Sóng gió rồi cũng qua… Khi quân bình trở lại, tôi thấy cần tìm hiểu sâu hơn về Chân lý. Chúa dạy tôi : phải tin rồi mới thấy. Nhưng tôi cứ bướng bình, nằng nặc “Con phải hiểu, phải hiểu rồi mới tin…” Không biết Chúa có ngạc nhiên vì lòng tin bé hơn một phần tư hạt cải của tôi không ?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa thấu suốt mọi tâm can, xin giữ con khỏi tự cao tự mãn, xin tăng cường lòng tin yếu kém của con (Epphata)
7. Mầm khác :
Giấc Mơ Hãi Hùng
Người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau:
Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong tôi thấy 2 hành lang với 2 hàng chữ: Bên phải dành cho người công giáo, bên trái dành cho kẻ ngoại đạo.
Theo bảng chỉ dẫn tôi đi theo hành lang bên phải dành cho người công giáo.
Đi được một lúc, tôi thấy mình đứng trước một ngã rẽ khác. Lần này, tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn hnư sau: Bên phải dành cho người có đức tin mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém. Và tôi lại đi theo bên phải.
Đến một ngã rẽ khác tôi lại thấy một bảng chỉ dẫn:
Bên phải dành cho người có lòng bác ái, bên trái dành cho những kẻ ích kỷ. Tôi lại chạy bên phải mà đi.
Cuối cùng tôi gặp một bảng chỉ dẫn:
Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi. Một lần nữa tôi cứ chọn bên phải mà đi. Nhưng tôi đang hân hoan rảo bước, thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hỏa ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức giấc.
Sau một phút tôi hoàn hồn và tự hỏi:" Phải chăng một cuộc đời sống đạo của tôi cũng chỉ là một giấc mơ hãi hùng."
Câu hỏi trên đây có lẽ cũng có thể được nêu lên cho mỗi người chúng ta.
Thường thì chúng ta cứ chọn bên phải mà đi, chứ mấy ai lại thích đi bên trái. Cái ảo tưởng về sự tốt lành của mình luôn luôn bám sát chúng ta như hình với bóng. Lòng tự cao tự đại thường mê hoặc ta, làm cho ta như chìm sâu mãi vào một giấc mơ hãi hùng.
"Anh em hãy tỉnh cơn mê, đêm đã tàn ngày đang tới". Lời ấy của Thánh Phaolô muốn thôi thúc chúng ta thành khẩn nhìn lại giá trị đích thực của đời mình.
Lm. Carolô Hồ Bặc Xái