A. Phân tích ( Hạt giống ...)
Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu nhân vật quan trọng nhất trong việc Chúa Cứu Thế sinh ra : Đức Maria.
1. Thánh Luca trình bày Đức Maria là “Thiếu nữ Sion” (Câu “mừng vui lên” là âm hưởng của lời ngôn sứ Xôphônia nói với thiếu nữ Sion : x. Xp 8,14). Ngày xưa qua miệng ngôn sứ, Thiên Chúa hứa sẽ đến ở nhà “thiếu nữ Sion” (tức là dân Chúa). Lời hứa này hôm nay được thực hiện nơi Đức Mẹ.
2. So sánh Đức Maria với ông Dacaria : khi được báo tin sẽ có con, cả Dacaria và Đức Maria đều thắc mắc hỏi lại. Nhưng câu hỏi của Dacaria biểu lộ sự không tin (câu 20 : Lời thiên sứ nói “Bởi vì ông không tin”). Còn câu hỏi của Đức Maria là để xin soi sáng thêm (“việc ấy xảy đến thế nào ?”), và sau đó Người đã mau mắn thưa Fiat.
B. Suy niệm ( ... nảy mầm)
1. Đức Maria hỏi “Việc ấy xảy ra cách nào được, vì...”. Thiên sứ đáp “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (câu 37). Rất nhiều điều con người tưởng không thể nào làm được thế mà Thiên Chúa vẫn làm được : Ngài đã làm cho Êlisabét son sẻ được có con, đã làm cho Đức Maria đồng trinh sinh ra Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa cũng có thể làm nơi mỗi người chúng ta những việc trọng đại, miễn là chúng ta sẵn sàng để Ngài hoạt động trong chúng ta.
2. Mặc dù “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, nhưng thường Thiên Chúa không làm một mình, Ngài thích có sự hợp tác của con người. Để cho Đấng Cứu Thế nhập thể, Thiên Chúa đã nhờ Đức Maria hợp tác. Và Đức Maria đã hợp tác bằng cách ngoan ngoãn để cho ơn Chúa hành động trong mình và qua mình : “Xin cứ làm cho tôi...”.
3. Một thanh niên kia có thói quen ngủ rất say, luôn cần có mẹ gọi mới thức dậy được. Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm ở một chỗ xa nhà. Mẹ anh mua cho anh một chiếc đồng hồ báo thức. Ngày đầu tiên anh quên vặn đồng hồ trước khi ngủ nên đến sở làm trễ. Ngày thứ hai, anh nhớ vặn đồng hồ, nhưng sáng sớm khi nó reo thì anh đưa tay tắt bỏ, nên lại đi làm trễ. Và anh bị đuổi việc. Khi anh trở về gia đình, mẹ anh hỏi về chiếc đồng hồ. Anh đáp :
- Chiếc đồng hồ đó hoàn toàn vô dụng đối với con.
- Nó vô dụng là vì con không chịu dùng nó. Mẹ anh đáp.
Bao nhiêu ơn Chúa ban cho ta cũng đều vô dụng nếu ta không xử dụng đến.
4. Lịch sử cứu độ thời Cựu Ước bắt đầu bằng một hành vi đức tin của Abraham. Ông được gọi là “cha của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ thời Tân Ước cũng bắt đầu bằng hành vi đức tin của Đức Mẹ. Đức Maria được gọi là “mẹ của những kẻ tin”. Lịch sử cứu độ của mỗi người cũng phải bắt đầu bằng hành vị đức tin của người đó.
5. “Sứ thần nói với cô Maria : Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Cô Maria thưa với sứ thần : “Này tôi là nữ tì của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,31.38)
Một biến cố như cuồng phong chợt đến trong tâm tư người thôn nữ Nadarét, làm đảo lộn mọi dự tính, mọi ước mơ. Và có nguy cơ bị hiểu lầm, ruồng rẫy… Nhưng Mẹ Maria đã dám “Xin Vâng”, tin tưởng phó thác vào tình thương và sự tín trung của Thiên Chúa. Mẹ đã dám “Xin Vâng” và nhận mình là bé nhỏ, là thuộc về. Mẹ đã dám “Xin Vâng”, và nhận được sự bình an.
Tuổi trẻ luôn có nhiều ước mơ, hoài bão, tự xây cho mình nhiều kế hoạch để khẳng định chính mình, nên rất sợ những biến cố, những tai họa, vì chúng tạo ra những thay đổi, gây nên những thất bại và làm đổ bể mọi kế hoạch. Tôi lo lắng, sợ hãi vì chưa biết chấp nhận sự nhỏ bé của mình, chưa tin tưởng phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa, và chưa dám Xin Vâng như Mẹ Maria.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết Xin Vâng như Mẹ. Xin Vâng mỗi ngày trong suốt cuộc sống của con, để dù cuộc sống có như thác đổ, lòng con vẫn cứ bình an vì biết rằng Chúa luôn đồng hành với con. (Epphata)
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái