Lời Chúa: Mt. 7, 6. 12-14
Tác giả: Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
* Sinh năm 1568, gần Man-tu-a miền Lom-bác-đi-a, trong một gia đình Cát-ti-di-ô-nê quyền quý, hấp thụ lòng đạo đức của thân mẫu. Lu-y sớm có khuynh hướng sống đời tu. Sau khi trao lại cho anh (em) phần đất người được tổ tiên giao cho để cai quản, người gia nhập dòng Chúa Giêsu. Trong khi phục vụ bệnh nhân đang kỳ dịch, thánh nhân bị lây và qua đời lúc mới 23 tuổi (năm 1591)
Bấm vào đây để đọc lời Chúa tiếng Anh
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Đừng lấy của thánh mà cho chó, và đừng vất ngọc trai trước mặt heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé các con.
"Vậy tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế! Đấy là điều mà lề luật và các tiên tri dạy.
"Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy".
Suy Niệm : Cửa hẹp và đường chật
Bài Tin Mừng hôm nay gồm những câu rời rạc.
Câu đầu tiên là một câu khó hiểu đối với chúng ta ngày nay (c.6),
tuy có thể rất dễ hiểu đối với những người trực tiếp nghe Đức Giêsu.
“Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai chớ liệng cho heo…”
Heo là con vật nhơ uế, chó thường được dùng để chỉ dân ngoại.
Vào khoảng đầu thế kỷ thứ hai,
sách Điđakhê coi của thánh ở đây là Mình Thánh Chúa,
từ đó xác định rằng chỉ tín hữu mới được rước lễ (9, 5).
Tuy nhiên, có thể hiểu của thánh hay ngọc trai là Tin Mừng Nước Trời.
Tin Mừng này có thể được đón nhận hay bị từ chối một cách thô bạo.
Không hẳn chỉ dân ngoại mới có người từ chối và chà đạp viên ngọc quý.
Cả người Do thái cũng có kẻ bách hại những ai rao giảng (Mt 10, 17).
Thái độ của người môn đệ là không dừng lại, nản lòng khi bị chối từ.
nhưng là tiếp tục mang sứ điệp ấy đến cho người khác.
Câu 12 thường được coi là khuôn vàng thước ngọc.
Nó xuất hiện trong nhiều tôn giáo và văn hóa từ xưa.
“Làm cho người khác mọi điều mình muốn họ làm cho mình.”
Đây là một thái độ tích cực đòi chúng ta một chút tưởng tượng.
Tôi thử nghĩ xem mình muốn gì nơi người khác.
Cảm thông, bao dung, yêu mến, kính nể, trung thành, nâng đỡ…
Rồi tôi tìm cách trao cho họ những điều tốt lành mà tôi ước mong,
vì giữa con người với nhau, vẫn có chung những khát vọng.
Trong một thế giới mà người ta chỉ tìm làm điều tốt cho nhau,
thì thế giới đó là địa đàng, nơi sự dữ không còn đất đứng.
Như thế người Kitô hữu không chỉ yêu anh chị em trong cộng đoàn,
yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39),
mà còn yêu mọi người đau khổ cơ nhỡ (Mt 25, 31-46),
thậm chí yêu cả kẻ thù (Mt 5, 44).
Cộng đoàn Kitô hữu là cộng đoàn yêu bằng hành động tích cực:
“chính anh em hãy làm cho người ta” (c. 12).
Người ta ở đây là mọi người, vượt quá mọi thứ biên giới.
Con đường mà Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp, khó đi.
Nó hẹp vì nó là con đường tình yêu, mà yêu thì không dễ.
Ít ai tìm thấy con đường này, mà cũng ít người muốn đi (c. 14).
Chúng ta được mời chọn đi con đường Giêsu,
con đường tình yêu đòi hy sinh mạng sống,
con đường đòi ra khỏi mình để sống cho và sống với tha nhân.
Và chúng ta tin mình sẽ gặp được hạnh phúc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong Hội Thánh:
nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện. Amen.
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)