Thứ Hai tuần 3 thường niên – THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI.

Lời Chúa: Mc 16, 15-18
Tác giả: Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

* Trên đường đi Đamát, ông Saolô quê thành Tácxô đã khám phá ra hai điều: Trước hết, Đức Giêsu Nadarét là Đấng đã phục sinh, cũng là Đấng được Thiên Chúa ban phúc lành; thứ đến, Đấng phục sinh với các Kitô hữu là các anh em người, chỉ là một.

Khám phá này là nguồn ánh sáng soi chiếu cả cuộc đời thánh nhân.

Bấm vào đây để đọc lời Chúa tiếng Anh
 

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: ”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.

Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

Bài giảng Thứ Hai tuần 3 thường niên – THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI.

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Thứ Hai tuần 3 thường niên – THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI.

SUY NIỆM : Con phải làm gì?

 

Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về một cuộc gặp gỡ lạ lùng

giữa Đức Giêsu Nadarét với anh Saun, kẻ đang bách hại các Kitô hữu.

Chính Ngài muốn gặp anh trên con đường anh đang đi.

Dưới mắt Saun, Kitô hữu là những kẻ bỏ đạo Do Thái chính thống,

để chạy theo một tà phái của ông Giêsu nào đó mà họ tin là đã phục sinh.

Trong tư cách là một người Pharisêu nhiệt thành và nghiêm túc (c. 3),

Sa-un thấy mình có bổn phận phải trừng trị những kẻ phản đạo,

bằng cách bắt bớ, xiềng xích, tống ngục, thậm chí thủ tiêu (cc. 4-5).

Chính lúc đang say sưa đến gần thành Đamát thì anh bị quật ngã.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu, đời anh từ nay giở sang một trang mới.

Khi anh đang tự tin và hiên ngang tiến bước,

thì ánh sáng chói lòa từ trời làm anh ngã quỵ (c. 7).

Khi Saun nghĩ mình là người sáng mắt,

thì ngay giữa trưa, anh trở nên mù lòa (c. 11).

Khi anh định chỉ đạo cho những kẻ lầm đường lạc lối,

thì bây giờ anh lại cần một người cầm tay dắt đi (c. 11).

Cuộc đối thoại bắt đầu giữa anh với người mà anh chỉ nghe tiếng nói.

Ngài âu yếm gọi tên anh hai lần và tự giới thiệu:

“Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?

Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ” (c. 8).

Bắt bớ các Kitô hữu là bắt bớ chính Đức Giêsu.

Đức Giêsu và các Kitô hữu là một.

Bài học đầu tiên này Saun sẽ chẳng thể nào quên.

“Lạy Chúa, con phải làm gì?” (c. 10).

Lần đầu tiên Saun gọi người mà anh không hề tin là Chúa.

Khi tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét là Chúa,

anh lập tức phó thác cho Ngài, để Ngài chỉ bảo điều mình phải làm.

Nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã không nói gì.

Ngài trao anh cho ông Khanania, một người chưa phải là Kitô hữu.

Chính ông này cho mắt anh thấy lại và cho anh biết

anh được chọn để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt mọi người.

Đamát là nơi Đức Giêsu tỏ mình cho Saun, cũng được gọi là Phaolô,

là nơi ông nghe tiếng gọi trở nên tông đồ cho dân Ngoại,

và cũng là nơi khởi đầu cho cuộc hoán cải tận căn của ông.

Chính mặc khải của Đấng phục sinh dẫn đến ơn gọi và hoán cải.

Từ nay cuộc đời của Phaolô đi sang một hướng mới.

Giêsu đã trở nên trung tâm của đời ông.

“Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để chiếm được Đức Kitô” (Ph 3, 8).

Biến cố trên đường đi Đamát đã chia đời ông làm hai.

“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua,

để lao mình về phía trước” (Ph 3, 13).

Chúng ta cũng có những kinh nghiệm như Phaolô:

ngã ngựa, mù lòa, nghe và gặp Đức Kitô, rồi hoán cải.

Như Phaolô, mong chúng ta để cho Đức Kitô Giêsu chiếm lấy mình,

và trở nên người tông đồ nhiệt thành cho thế giới.

 

Cầu nguyện :

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ cõi chết đến sự sống,

từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ thất vọng đến hy vọng,

từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ ghen ghét đến yêu thương,

từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an

trong trái tim chúng con,

trong thế giới chúng con,

trong vũ trụ chúng con. Amen.

(Chân phước Têrêxa Calcutta)