* Lịch sử
Trong khi thánh Phêrô được xác định là “đá tảng cho Hội Thánh” (Mt 16,18), thì Phaolô được gọi là “thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý” (1 Tm 2,7). Đối với Phaolô, đây là cả một mầu nhiệm. Trước đấy, ngài đã khinh khi những người Kitô hữu, khi họ tôn kính một đấng Mê-si-a bị xử tử như một tội đồ.
Sự kiện ở cổng thành Đa-mát đã biến đổi tất cả. Thiên Chúa mà ngài tôn thờ trong cương vị là một người Pharisêu đạo đức, đã biến đổi ngài thành kẻ rao giảng cho Tin Mừng của Đức Giêsu chịu đóng đinh (Gl 1,11-16).
Lễ thánh Phao-lô trở lại đã được tìm thấy trong phụng vụ Ga-li-en, từ thế kỷ thứ 8. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
A. Phân tích (Hạt giống...)
1. Bài trích sách Công vụ :
Phaolô tự thuật về ơn gọi của mình trên đường Đamát. Trong sách Công vụ, chuyện này được tường thuật 3 lần : 9,3-7 ; 22,3-16 và 26,13-15. Đoạn này là tường thuật thứ hai.
Một chi tiết nổi bật trong câu chuyện là sự mù lòa và sự sáng mắt của Phaolô. Ta có thể phân chuyện này ra 3 giai đoạn :
- Giai đoạn trước khi Phaolô gặp Chúa Giêsu : ông là một người nhiệt thành. Nhưng chính sự nhiệt thành ấy làm ông thành mù quáng khiến ông chống lại Giáo Hội của Ngài (cũng giống như những người biệt phái).
- Lúc gặp được Chúa Giêsu, hoạt động mù quáng chống phá Giáo Hội đã ngưng lại, nhưng ông vẫn còn mù (“Ánh sáng chói lòa kia làm cho tôi không trông thấy nữa”). Sự mù này một phần vì Phaolô chưa thích ứng nổi với ánh sáng quá rực rỡ của Chúa Giêsu, một phần vì ông chưa được chỉ dẫn về đường lối của Ngài
- Khi gặp Khanania, Phaolô được sáng mắt, vì đã được chỉ dẫn (“Thiên Chúa đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Ngài và được thấy Đấng Công Chính... Anh sẽ làm chứng nhân... về các điều anh đã thấy và đã nghe”).
2. Bài Tin Mừng :
Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ :
- Sai các ông đi loan Tin Mừng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
- Hứa hỗ trợ đặc biệt cho các ông : “Nhân danh Thầy họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu có uống phải chất độc thì cũng không bị hại ; họ đặt tay trên những người bệnh và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Những “dấu lạ” mà Chúa Giêsu hứa có thể mang 2 nghĩa :
a/ Nghĩa bóng : Chúa giúp các ông chiến thắng thế lực của sự dữ ;
b/ Nghĩa đen : các ông sẽ thật sự làm được những phép lạ
B. Suy niệm (... nẩy mầm)
1. “Trở lại” là đang đi trên một con đường, biết rằng đường đó lạc, nên dứt khoát quay lại. Nếu chỉ biết mà không quay lại thì không phải là trở lại. Thánh Phaolô đã quay lại một cách dứt khoát đúng 1800, và quay rất nhanh.
2. Nhiệt tình chưa hẳn là tốt. Nhiệt tình phải được hướng dẫn bởi ánh sáng Đức Kitô mới tốt thật.
3. Bà Reside là nhà truyền giáo đầu tiên cho những người da đỏ bộ lạc Kiowa ở Oklahoma. Bà được họ thương mến đặt tên là Aim-day-co, nghĩa là “Hãy quay lại”. Khi giải thích lý do chọn đặt cho bà cái tên đó, vị tù trưởng nói : “Khi những người bộ lạc Kiowa chúng tôi thấy ai đang đi lạc hướng thì chúng tôi nói với họ “Aim-day-co”. Họ nghe và quay lại đúng hướng. Bà này từ một nơi xa xôi đến với chúng tôi. Bà thấy chúng tôi đang đi lạc và bà đã chỉ cho chúng tôi con đường đúng, đó là con đường của Chúa Giêsu Kitô. Xin Ngài chúc lành cho bà Aim-day-co” (Moody Monthly).
4. Khi chọn ai, Chúa theo những tiêu chuẩn rất lạ : không cần học thức cao, không cần tài ba lỗi lạc, không cần khả năng khéo làm việc... Thánh Phaolô đã liệt kê 5 tiêu chuẩn Chúa theo : những cái yếu đuối, những cái ngu dại, những cái hèn mọn, những cái bị khinh thường và những cái hư không. (Sunday School Times).
5. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15)
Là sinh viên năm thứ nhất đại học, tôi còn nhiều bỡ ngỡ và xa lạ. Hằng ngày tới trường, tôi cặm cụi ghi chép ; tan học lại vội vàng về ký túc xá…
Cuộc sống cứ thế tiếp diễn cho tới gần cuối năm. Trước sự vận động tích cực của một vài bạn trong lớp cho một giáo phái hay một đạo gì đó, tình cờ H hỏi tôi :
- Bạn theo đạo nào ?
- Công giáo. Còn bạn ?
- Tớ chẳng theo đạo nào cả. Còn bạn, sao không truyền đạo như nhóm M vẫn làm ?
Tôi trả lời cho qua chuyện, nhưng sau đó đã phải suy nghĩ nhiều tới cách sống của mình giữa mọi người.
Lạy Chúa, con muốn làm chứng cho Chúa bằng chính cách sống của con, bằng thái độ vui tươi cởi mở với bạn bè cũng như lòng quảng đại của con trước những như cầu của người nghèo. (Epphata)
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái