A. Phân tích ( Hạt giống...)
Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó. "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời". Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám."
1. "Các kinh sư nói Chúa Giêsu bị quỷ vương Bêendêbun ám và dựa vào thế quỷ vương để trừ quỷ. Theo Chúa Giêsu, lời tố cáo đó là một điều vô lý. Quả thật, Satan không thể chống Satan (3,23b). Nước nào, nhà nào chia rẽ thì sẽ đi tới chỗ diệt vong (3,24-25) ; Satan cũng vậy (3,26). Mc 3,27 cho thấy : chẳng những Chúa Giêsu không bị quỷ chi phối, không theo phe quỷ, Ngài còn chống quỷ ; quỷ là người mạnh, Chúa Giêsu còn mạnh hơn quỷ nữa" (Chú thích của bản dịch nhóm CGKPV).
2. Những luật sĩ ấy chẳng những không nhìn nhận quyền phép Chúa Giêsu trong việc Ngài trừ quỷ mà còn xuyên tạc rằng Ngài dựa thế quỷ vương. Thái độ ấy bị Chúa Giêsu gọi là tội phạm đến Chúa Thánh Thần và là thứ tội duy nhất không được tha. Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng lương tâm cho người ta thấy rõ sự thật, thấy tội lỗi của mình để sám hối và được tha. Từ chối sự thật, không chịu sám hối thì không thể nào được tha. Không được tha không phải vì Chúa không tha mà vì mình không muốn được tha.
B. Suy niệm (... Nẩy mầm)
1. Chuyện này nhắc ta hai sự thật :
a/ Quả thực có hoạt động của Satan trong thế giới này và trong bản thân mỗi người, sức hoạt động này rất mạnh ;
b/ Nhưng quả thật, Chúa Giêsu mạnh hơn. Chuyện này cũng làm ta liên tưởng tới những lời chia xẻ kinh nghiệm của thánh Phaolô : "Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay... Tôi thật là một người khốn nạn ! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ?" (Rm 7,21.24) ; "Thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi để tôi khỏi tự cao tự đại... Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, đề sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi... Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh" (2 Cr 12,7.10)
2. Đây là nội dung cuộc nói chuyện giữa hai em nhỏ :
- Nếu Satan đến cám dỗ, bạn làm sao chống trả ?
- Mình biết Satan đến để cám dỗ, nhưng khi nó gõ cửa lòng mình, mình bảo : Có phải Chúa Giêsu gõ cửa đấy không ạ ? Khi Satan nghe tên Giêsu là nó biến ngay !
Người mạnh nhất cũng không thể một mình chống lại Satan (Góp nhặt).
3. Phải hiểu cho đúng câu Tin Mừng Luca 4,13 : "Và sau khi chấm dứt mọi cám dỗ, quỉ bỏ đi chờ đợi thời cơ". Câu đó không có nghĩa là sau khi ma quỉ cám dỗ, nó để cho ta yên một thời gian. Cũng không phải là nó để ta có giờ nghỉ ngơi hầu lấy lại sức mạnh cho cuộc chiến sau. Cũng không phải Chúa ngăn cản, không để quỉ cám dỗ ta trong một thời gian. Dịch cho đúng câu đó có nghĩa là: quỉ tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại và tiếp tục tấn công. Nên khi quỉ thôi cám dỗ ta, chính là lúc nó đang tìm cách để đánh úp ta. (Góp nhặt)
4. "Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền. Nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững" (Mc 3,24)
Trong cuộc sống, khi cộng tác với người khác, tôi thường có những thành kiến, không tin vào thiện chí của họ, không vượt qua được những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và những định kiến hẹp hòi, là vì tôi đã không dám từ bỏ chính mình để đi tìm chân lý ở mọi người.
Rồi cuộc sống chỉ có mình tôi, thế giới đối với tôi thật nghèo nàn, và cuộc sống trở nên vô nghĩa.
Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe nhau bằng quả tim yêu thương. Xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc xây dựng Nước Trời ngay trong cuộc sống trần gian. (Epphata)
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái