Một trong những nét khác biệt giữa Gioan Tẩy Giả với Đức Giêsu là sự khắc khổ nhiệm nhặt. Gioan được coi là người “không ăn bánh, không uống rượu” (Lc 7, 33). Còn Đức Giêsu bị mang tiếng là “tay ăn nhậu” với quân thu thuế (Lc 7, 34). Chúng ta đã từng thấy ngài ăn tại nhà ông Lêvi hay ông Dakêu. Các người Pharisêu cũng là những người thích ăn chay nhiều lần trong tuần, dù ngày ăn chay chính thức hàng năm của đạo Do Thái chỉ là ngày lễ Xá tội.
Như thế có sự khác biệt khá rõ giữa môn đệ của Đức Giêsu với môn đệ của Gioan Tẩy Giả và môn đệ của người Pharisêu. Một bên có vẻ thoáng và thoải mái, một bên thì khắc khổ nhiệm nhặt. “Tại sao môn đệ của ông lại không ăn chay?” Có người đã dám hỏi thẳng Đức Giêsu như thế. Ngài đã trả lời bằng một cách dùng một hình ảnh dễ hiểu và đầy ý nghĩa. Vào thời Đức Giêsu, tại Paléttin, cũng như tại nhiều vùng quê ngày nay, đám cưới là một biến cố mừng vui có tính làng xã. Chẳng thể nào hiểu được chuyện một người đi ăn cưới với khuôn mặt buồn của kẻ đang ăn chay.
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” Đức Giêsu tự ví mình với chàng rể, còn môn đệ là khách dự tiệc cưới. Bầu khí trong nhóm môn đệ của ngài là bầu khí vui tươi của một lễ thành hôn bởi lẽ thời đại thiên sai đã đến rồi. Đức Giêsu, Đấng Mêsia dân Ítraen mong đợi từ lâu, nay có mặt. Ngài là chàng rể kết duyên với cô dâu là dân tộc Ítraen của ngài. Đức Giêsu đã làm trọn điều các ngôn sứ nói trong Cựu Ước về việc Thiên Chúa lập hôn ước với dân của Người (Hs 2, 21-22; Is 62, 4-5).
“Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay.” Sau khi Đức Giêsu chịu cái chết dữ dằn, được phục sinh và lên trời, Giáo Hội bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chờ đợi ngài quang lâm. Trong giai đoạn này, khi Chúa Giêsu vừa vắng mặt, vừa hiện diện, Các Kitô hữu ăn chay, vác thánh giá theo Chúa Giêsu, dù họ vẫn luôn sống trong niềm vui, bởi tin vào Đấng đã phục sinh vinh hiển.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu