Thứ bảy tuần XV Thường niên, A

Lời Chúa: Ga 20,1-2.11-18
Tác giả: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái và Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

 
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ. Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu". Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni", nghĩa là "Lạy Thầy". Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: "Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con". Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".

Bài giảng Thứ bảy tuần XV Thường niên, A

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Thứ bảy tuần XV Thường niên, A

Suy niệm: 
* Hạnh tích: Thánh nữ MARIA MAGĐALA
Thánh nữ Maria thành Magđala (Mácđala hay Mađalêna) là người được gọi đầu tiên trong số các phụ nữ được Chúa Giêsu chữa bệnh, nay theo và phục vụ Người (x. Lc 8,2).
Trong Phúc Âm có nói nhiều về những người mang tên Maria, cũng được Chúa chú tâm đặc biệt, ít nhất là có ba người, đó là các bà Maria thành Béthania (miền Giuđê), bà Maria thành Magđala (miền Galilê) và người đàn bà tội lỗi vô danh trong Phúc Am Thánh Luca (x. Lc 7).
Phụng vụ Giáo Hội La Mã, kể từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, đều coi Maria này là người đàn bà tội lỗi, rửa chân cho Chúa Giêsu (x. Lc 7,36-50) và là chị của Mátta và Lagiarô (x. Lc 10,38,50 ; Ga 12,1-8). Thế nhưng khoa Thánh Kinh ngày nay không xác tín điểm này.
Điểm chắc chắn không ai tranh cãi là Maria Magđala đã đứng dưới chân Thánh Giá của Chúa Giêsu (x. Mc 15,40-41). Bà hiện diện nơi cuộc táng xác Chúa (x. Mc 15,47) và vào buổi sáng phục Sinh, bà cùng mấy phụ nữ đã đi ra mồ Chúa (x. Mc 16,1-8). Chính bà là người đầu tiên được Chúa Phục Sinh hiện ra và sai đi báo cho các Tông Đồ tin mừng Phục Sinh (x. Mc 16,9 ; Ga 14-18).
A- Phân tích (Hạt giống...)
Bài tường thuật của Gioan, cũng về những chuyện sáng ngày Phục sinh, đặc biệt về Maria Mađêlêna:
1. Khi thấy ngôi mộ trống, Maria Mađêlêna “khóc” và “tìm” xác Chúa Giêsu.
2. Hai thiên thần hỏi lý do bà khóc. Hai vị chỉ hỏi chứ chưa nói Chúa Giêsu sống lại.
3. Chính Chúa Giêsu hiện ra với bà: ban đầu bà không nhận ra Ngài, khi Ngài gọi tên bà thì bà liền nhận ra. Ngài giải thích ý nghĩa việc sống lại: “Ta về cùng Cha Ta cũng là Cha của các con, về cùng Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa của các con.”
4. Maria Mađêlêna báo tin Phục sinh cho các môn đệ.
B. Suy gẫm (... nảy mầm)
1. Việc Chúa Giêsu Phục sinh đã biến đổi hẳn ý nghĩa và tình cảm của con người; bà Maria Mađalêna chính là đại diện; trước cái chết: nếu không tin việc Phục sinh, chúng ta đau buồn than khóc trước cái chết của một người thân và tiếc nuối đi tìm thân xác họ, khi đã có niềm tin Phục sinh, chúng ta sẽ không còn than khóc và sẽ không tìm người sống nơi kẻ chết nữa.
Bà De Gaulle cho gọi một nhân viên mai táng đến bảo tìm nơi an nghỉ cuối cùng cho người chồng đã quá cố. Người này thân hành trở bà đến sườn đồi, trước mặt là một thung lũng tuyệt đẹp. Ông nói: “Đây là nơi an nghỉ rất xứng đáng với người chồng vĩ đại của bà, và cũng chỉ tốn 200.000 francs.” Trong lúc bà còn đang phân vân, ông ta nói tiếp: “Ông nhà thật xứng đáng hưởng sự ưu đãi đó”. Bà đáp: “Nhưng ông ấy chỉ cần 3 ngày thôi mà!”
2. Tình cảm của bà đối với Chúa Giêsu rất đậm đà: Khi không thấy xác Chúa Giêsu, bà khóc và cả thế giới này không còn ý nghĩa gì đối với bà nữa: bà không tìm gì khác ngoài xác của Chúa Giêsu, không nhận ra ai khác (các thiên thần, chính Chúa Giêsu mà bà tưởng là người giữ vườn). Khi Chúa gọi tên, bà nhận ra Chúa, sau đó vui mừng chạy đi báo cho mọi người. Tóm lại, đối với Maria Chúa Giêsu là tất cả, mất Chúa Giêsu cả thế giới như sụp đổ, gặp lại Chúa là gặp lại niềm vui.
3. Dù Maria không còn thấy gì và không còn nhận ra ai nữa cả, nhưng Chúa Giêsu gọi tên bà thì tất cả bừng sáng trở lại. “Ta biết các chiên Ta… các chiên Ta biết Ta …” Chúa cũng biết đích danh mỗi người chúng ta và gọi đúng tên chúng ta. Phần chúng ta có nhận biết Ngài không?
Một sinh viên cao đẳng đến thực tập tại một trường nọ. Chỉ trong hai tuần, anh ta nhớ tên tất cả các học sinh trong lớp. Anh gọi từng em như một người bạn thân.
Sau khi tốt nghiệp, anh lại được phân công về dạy tại trường đó. Lập tức, tất cả các học sinh thân yêu tụ tập xung quanh anh. Anh chỉ và gọi đích danh từng em. Các em rất vui mừng.
Tôi cả các em đều được gọi nhưng chỉ có một em mà anh không thể nhớ tên. Em xấu hổ bỏ chạy và khóc. Anh rất ngượng ngùng. Tên người thân thật quan trọng.
4. Chúa Giêsu đã hỏi Maria: “Tại sao con khóc?” và từ đó bà đã biến nỗi buồn của bà thành niềm vui. Nỗi buồn nào đang khiến tôi phải khóc thầm? Hãy dâng cho Chúa và xin Ngài hãy biến nó thành niềm vui.
5. Vì yêu mến Chúa, đôi khi tôi cũng thấy buồn vì không thấy Chúa: chung quanh tôi hình như không có chỗ cho Chúa ở, trong xã hội, trong những công việc và những con người. Xin cho thêm nhiều người biết Chúa, xin cho người ta biết dành chỗ cho Chúa trong việc làm và trong cuộc sống.
6. “Đức Giêsu gọi bà: “Maria” bà quay lại và nói: “Rapbuni” nghĩa là lạy Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Thôi đừng giữ Thầy lại… nhưnhg hãy đi gặp anh em Thầy.”
“Này các chị có nghe điện thoại reo không? Sao tôi gọi mãi mà không có ai nhấc máy lên nghe vậy?” Từ dưới sân lầu, giữa trời nắng gắt, tiếng chị H, trực phòng khách lanh lảnh vang lên. Thật ra không phải chúng ta không nghe, nhưng ai cũng ngại nhấc máy. Vì đã nghe rồi thì sau đó phải “thông tin” lại cho người có liên quan hay phải đi gọi người dùm cho chị H.
Nhưng hôm nay, lời chị đánh động tôi rất nhiều. Vì đối với Chúa tôi cũng có thái độ như thế. Biết bao lần tôi đã dửng dưng trước những “cú phone” Chúa gọi cho tôi. Tôi không muốn nghe vì ngại phải thi hành những “Sứ điệp” của Chúa sẽ truyền dạy tôi. Cũng có thể nhiều lần Chúa gọi tôi ở đầu dây bên kia, nhưng tôi bận nghe hay nói với người khác ở đầu dây bên này. Như thế làm sao tôi có thể nghe được “điện” của Chúa?
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thật vui sướng và hạnh phúc vì Chúa luôn ở bên cạnh chúng con. Chúa hiện diện bên cuộc đời chúng con như Lời Chúa đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Chúa biết rõ từng người chúng con như người mục tử biết rõ từng con chiên. Chúa gọi tên từng người chúng con như Chúa đã gọi tên Maria Mađalêna khi bà ra thăm mồ Chúa.
Lạy Chúa, thế giới hôm nay đầy náo nhiệt và bận rộn. Tâm hồn chúng con bị chao đảo bởi biết bao những huyên náo của thú vui trần thế. Có biết bao cám dỗ mời mọc chúng con vào con đường tội lỗi. Có biết bao đam mê khiến chúng con lầm đường lạc lối. Có biết bao con đường dẫn chúng con xa lìa sự sống đời đời. Xin Chúa hãy thứ tha. Xin cho chúng con tin rằng: Chúa đang đứng bên cạnh chúng con và gọi tên chúng con. Xin hãy gọi chúng con ra khỏi bến mê tội lỗi. Xin hãy gọi chúng con để thức tỉnh trước những cạm bẫy của thế gian. Xin cho chúng con biết nhận ra tiếng Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin giúp chúng con luôn nhiệt tâm tìm kiếm Chúa như thánh nữ Maria Mađalêna, nhờ đó chúng con cũng trở thành sứ giả loan báo tin vui Chúa Phục sinh cho trần thế.
Lạy Chúa, giữa thế giới đầy bận rộn và náo nhiện này, xin cho chúng con biết lắng tai nghe tiếng Chúa. Xin hãy mở rộng đôi tay còn khép kín của chúng con, để chúng con mau mắn thi hành “sứ điệp” Chúa gởi đến cho chúng con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
Nguồn: WGPSG