Lời Chúa: Ga 1, 47-51
Tác giả: Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
* Chúng ta mừng các vị tổng lãnh thiên thần, nhưng đồng thời cũng mừng tất cả các thiên sứ được nhắc tới từ sách Sáng Thế cho tới sách Khải Huyền. Các vị hiện diện cách vô hình để hướng dẫn dòng lịch sử cứu độ.
Tuy các vị là những sứ giả của Chúa, có nhiệm vụ bộc lộ cho con người biết các kế hoạch của Chúa và mang tới lệnh Người truyền, nhưng trước hết các vị là cộng đoàn đông đảo những vị thờ lạy Thiên Chúa hằng sống.
Bấm vào đây để đọc lời Chúa tiếng Anh
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông rằng: "Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanaen đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel".
Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin. Ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa".
Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".
Suy niệm: Các Thiên Thần của Thiên Chúa
Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.
Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.
Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.
Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô,
từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.
Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria
để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).
Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần
trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).
Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11),
sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.
Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến,
một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).
Ngài đã không tránh né cái chết
bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).
Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).
Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài
khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).
Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời,
trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).
Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay
cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.
Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông
Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở,
và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).
Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy
“một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời,
trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).
Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó,
là Đấng Trung Gian nối đất với trời,
nối Thiên Chúa với nhân loại.
Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.
Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi,
nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực,
vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.
Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.
Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.
Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.
Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa,
vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời,
nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.
Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa, lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con, hay làm cho con ra khỏi Chúa;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin, cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)