A- Phân tích (Hạt giống...)
Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Kitô hữu. Ngài sẽ dạy Kitô hữu biết sự thật, sự thật vẹn toàn.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật.” Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dạy chúng ta biết về Chúa Thánh Thần: sau khi vạch cho chúng ta thấy những sai lầm của mình, Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta đến sự thật, sự thật vẹn toàn:
Xã hội chúng ta đang sống là một xã hội nhiều gian dối, ngay cả mỗi người đối với bản thân mình mà cũng thường tự dối gạt mình: mình xấu mà nghĩ mình tốt, mình sai mà nghĩ mình đúng. Tất cả những sự dối trá đều gây hại, ngược lại, sự thật thì có lợi, nhưng lời Chúa nói “Sự thật sẽ giải thoát chúng con.” Bởi thế, mỗi người chúng ta cần phải biết sự thật, nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, xin Ngài cho ta hiểu rõ hơn con người của mình như thế nào, còn những gì yếu kém cần sửa đổi.
2. Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật, không phải chỉ sự thật về bản thân mình như vừa nói trên, mà còn là sự thật toàn vẹn.
Sự thật toàn vẹn là gì? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài trích Phúc Âm hôm nay “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được.” Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh cách môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút là các môn đệ không chịu nổi nên Chúa Giêsu không nói nữa.
Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu của Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại “Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không?” Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói tới chính là chén đắng.
Một lần khác Chúa Giêsu mở miệng nói mình sẽ bị bắt, bị hành hạ và bị giết chết, thì Thánh Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là màu nhiệm đau khổ của Thập Giá.
Trong đêm Thứ Năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô một lần nữa không chịu nổi nên cự nự “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con.” Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ.
Tóm lại sự tật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm hạ, phải chịu đau khổ, phải chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng tất cả các lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi. Về sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy; và khi đó, nhờ sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu:
Một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công Vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân hiểm nguy vì loan báo Tin Mừng, Ngài nói: ”Tôi sung sướng vì được thông phần khổ nạn của Đức Giêsu Kitô trong thân xác tôi.” Ngài còn nói: “Vinh dự của ta là Thập Giá Đức Kitô,” cái Thập Giá mà những người trí thức Hy Lạp nói là điên rồ và những người Do Thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.
3. “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật.”
“Chúa Giêsu, ông là ai?” Đó là câu hỏi của nhân vật Giuđa Itcariốt trong tác phẩm “Chúa Giêsu, ông là ai?” của nhà văn Dominico Donrio. Câu chuyện được mở ra với bầu khí chờ đợi Đấng Messia của dân Ítraen. Khi Đức Giêsu đến chịu phép rửa, Gioan đã loan báo về Người, lúc đó Đức Giêsu biến mất. Mọi người đổ xô đi tìm Người. Chính quyền lùng bắt để giết đi. Quân cách mạng thì tìm để tôn vinh. Trong khi ấy Đức Giêsu lại âm thầm đến với cộng đoàn Esseniens, nơi Giuđa Itcariốt làm thủ lĩnh. Họ hiểu Ngài, đón Ngài, nhưng lại không thể chấp nhận Ngài, vì không chịu nổi những gì Ngài nói, cách Ngài sử thế và giáo lý Ngài tuyền dạy.
“Chúa Giêsu, Ngài là ai?” là câu hỏi của các môn đệ và những người đương thời. “Chúa Giêsu, Ngài là ai?” cũng là câu hỏi cho tôi khi đối chất với lời Ngài, nhất là khi giáo lý của Ngài đòi tôi phải lội ngược dòng.
Lạy Chúa, chỉ trong Chúa Thánh Thần các môn đệ mới hiểu và tin vào Ngài, một hiểu biết mang lại sức mạnh cho các ông đón nhận mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Và con cũng thế, sẽ chẳng hiểu được lời Ngài dạy trong cuộc sống, nếu không có Thần Khí của Ngài hướng dẫn. Nguyện xin Thánh Thần Chúa toả trên chúng con.
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)