A. Phân tích (Hạt Giống...)
Đoạn Tin Mừng gồm hai mặc khải chứa đựng trong hai câu trả lời của Đức Giêsu cho hai câu hỏi của Tôma và Philipphê:
1. Câu hỏi của Tôma: “Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường?”
- Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” à Chúa Giêsu là đường dẫn tới Chúa Cha, tức là dẫn tới nguồn sự thật và sự sống.
2. Câu xin của Philipphê: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha. Như thế là chúng con mãn nguyện”.
- Chúa Giêsu đáp: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” à Chúa Giêsu là mặc khải rõ ràng và cụ thể nhất về Chúa Cha.
Trong đoạn Tin Mừng này Chúa Giêsu cũng mặc khải thêm một số điểm quan trọng khác nữa:
- Về năng lực của đức tin: “Ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha”.
- Về hiệu quả của lời cầu xin nhân danh Chúa Giêsu: “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin thì Thầy sẽ làm”.
B. Suy niệm (... nảy mầm...)
1. “Thầy là đường”:
- Sống là đi, đời là hành trình. Nhưng nhiều khi người ta không thấy đường để đi, bởi thế người ta sống bồng bềnh nổi trôi không định hướng. Ngay cả một số tín hữu, thậm chí một số người đi tu mà đôi khi cũng rơi vào tình trạng hoang mang không biết mình phải đi đâu. Đó là vì họ không biết hay có biết nhưng đã quên lời Chúa Giêsu “Thầy là đường”. Hãy đi theo Chúa Giêsu, bởi vì, như lời Thánh Phêrô thổ lộ, “Bỏ Thầy con biết theo ai?”
- Nhiều người cũng muốn bước trên hành trình đi đến Thiên Chúa, đi đến sự sống. Tuy nhiên họ đi mãi mà không tới nơi, có khi còn đi lạc. Tại vì họ đi theo con đường riêng của họ chứ không theo con đường Chúa Giêsu.
2. “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu?”: Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Thế nhưng dù đã đi theo Chúa, ta không tránh khỏi nhiều lúc cảm thấy lo âu không biết Ngài sẽ dẫn mình đến đâu. Chúa Giêsu nói: “Thầy là đường, là sự thất và là sự sống”. Theo Ngài, chắc chắn chúng ta sẽ tới nguồn sự thật và nguồn sự sống. Vì thế ta hãy phó thác đời mình cho Ngài dẫn dắt: “Chúa là mục tử… Ngài dẫn tôi tới đồng cỏ xanh, bóng mát, nước trong…”
3. “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”: mong ước của Thánh Philipphê cũng là mong ước của mọi người tin thờ Thiên Chúa. Đã tin thờ Đấng nào thì dĩ nhiên người ta muốn thấy Đấng ấy.
Chúa Giêsu hiểu được mong ước ấy và đáp ứng mong ước ấy: “Ai thấy Thầy là Thấy Chúa Cha”. Chúa Giêsu là mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa. Muốn biết Thiên Chúa là ai, muốn hiểu Thiên Chúa là thế nào, ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, hãy suy gẫm những đoạn Tin Mừng viết về Ngài, hãy chiêm ngưỡng Ngài…
4. “Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những điều Thầy làm”. Những việc Chúa Giêsu đã làm là gì? Là giảng dạy, là chữa bệnh, là cứu độ… nhưng quan trọng nhất là thi hành ý Chúa Cha (Ga 4,34 : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy”.
Trong những việc ta làm, không việc gì quan trọng cho bằng những việc làm theo thánh ý Thiên Chúa. Nhưng làm theo thánh ý Thiên Chúa không phải là một điều dễ. Muốn làm được như thế, hãy tin vào Chúa Giêsu: “Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những điều Thầy làm”.
5. “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin thì Thầy sẽ làm”: Có lẽ nhiều điều ta xin mà không được là vì ta không xin nhân danh Chúa Giêsu.
6. Con đường: Người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau: Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ “bên phải dành cho người công giáo; bên trái dành cho kẻ ngoại”. Tôi đi theo hàng lang bên phải. Đi được một lúc tôi tới ngã rẽ khác, lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau “bên phải dành cho người có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém”. Tôi lại đi theo bên phải. Đến một ngã rẽ khác, tôi loại thấy bảng chỉ dẫn “bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những kẻ ích kỷ”. Tôi lại chạy qua bên phải. Cuối cùng tôi gặp bảng chỉ dẫn “bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi”. Một lần nữa, tôi chọn bên phải. Tôi đang hân hoan rảo bước thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hỏa ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức dậy. Sau một phút, tôi tự hỏi “phải chăng cuộc sống đạo của tôi cũng chỉ là một giấc mơ hãi hùng?” (Trích “Món quà giáng sinh”)
7. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9)
Xem phim “Chú bé tài năng”, nhiều phen tôi đã phải thót tim lại trước những trắc trở trên đường chuyển những bản tin của chú, và cảm thấy tim như giãn ra khi chú thành công.
Trong những chuyện lịch sử nước Việt, tôi rất thán phục những vị sứ giả đã khéo léo dùng tài trí của mình để tỏ bày lập trường cương quyết của triều đình trước những kẻ xâm lăng.
Đọc Tin Mừng thánh Gioan, tôi đắm mình trong mầu nhiệm làm con của Đức Giêsu, một người con luôn hướng về Cha, lưu lại trong Cha, hiệp nhất với Cha, để không chỉ nói điều Cha muốn, mà còn tỏ lộ cách trung thực chính dung mạo của Cha qua đời sống của mình.
Mở lại trang sử đời tôi, một kitô hữu, tôi chợt thấy ngỡ ngàng!
8. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6)
“Con số tự tử của năm 1996 là 730 ca trong đó có 10 ca không cứu sống được… Nguyên nhân chủ yếu là gặp những bế tắc trong cuộc sống (thất tình, buồn chán gia đình, bệnh tật…). Họ cảm thấy chỉ còn một lối thoát là tự kết liễu cuộc đời” (Báo NLĐ)
Khủng hoảng trần trọng nhất của xã hội ngày nay phải chăng là cuộc khủng hoảng về ý nghĩa của cuộc sống? Con người sinh ra để làm gì? Con người sẽ đi về đâu? Đâu là ý nghĩa và giá trị của cuộc sống? Đó là những vấn nạn mà tôi thường hay tự mình đặt ra khi gặp những đau khổ, những mâu thuẫn trong cuộc sống.
Tôi chỉ lấy lại được sự bình an khi đối diện với Chúa, đặt trọn niềm tin nơi Ngài, và xác tín rằng Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống.