A. Phân tích (Hạt Giống...)
Tiếp tục bài giáo lý về việc tái sinh: hậu quả của việc chịu sinh lại hay không chịu sinh lại.
Chịu sinh lại thì được cứu độ; không chịu sinh lại thì phải hư mất (bị luận phạt).
Thực ra, khi cho Con mình xuống thế gian, Thiên Chúa cũng không hề muốn “luận phạt” thế gian để cho hư mất, mà chỉ muốn cứu thế gian.
Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình: ai tin vào Chúa Con (chịu sinh lại bởi đức tin) thì được cứu; kẻ không tin (không chịu sinh lại) thì “bị luận phạt” (hư mất).
Sự hư mất ấy (luận phạt) là do chính những người ấy tự chọn cho mình. cũng giống như một nguồn sáng đã đến trong màn đêm tối tăm, ai muốn sáng thì tới với nguồn sáng đó, kẻ không tới thì phải ở mãi trong bóng tối.
B. Suy niệm (... nảy mầm...)
1. Dĩ nhiên được cứu thì tốt hơn là bị hư mất, trong ánh sánh thì hạnh phúc hơn trong tăm tối. Thế nhưng cũng giống như một người đang chìm muốn được cứu sống thì tối thiểu phải đưa tay cho người trên bờ kéo mình lên, người muốn sáng thì phải rời bỏ tối tăm để bước tới nguồn sáng. Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy một thực trạng đó là những người “yêu tối tăm hơn sự sáng”, đó là những người “hành động xấu xa”, họ “không đến cùng sự sáng vì sợ những việc làm của mình bị khiển trách”. Và Chúa Giêsu khuyên ta hãy can đảm yêu sự sáng và bước ra sự sáng “để hành động của họ được sáng tỏ”.
Trong tôi cũng có bóng tối. Đó là những “hành động xấu xa”. Tự nhiên tôi muốn che dấu, tôi sợ bước ra ánh sáng. Nhưng như thế tôi không bao giờ được cứu, như thế là tôi tự luận phạt mình, tự để mình bị hư mất. Hãy yêu sự sáng hãy cam đảm bước ra sự sáng để cho ánh sáng soi đường cho ta. Đó là một cách để được sinh lại: không còn là con của tối tăm nữa, mà từ nay sẽ là con của ánh sáng
2. Chú bé cùng với bố đang đi trên một con đường mòn trong đêm tối dày đặc, trên tay chỉ có cây đèn nhỏ, bóng đêm trước mặt gây cho chú cảm giác sợ hãi mơ hồ. Chú nói với bố: “Bố ơi! Chiếc đèn này chỉ chiếu sáng chút xíu trên đường, con sợ quá”. Bố đáp: “Con ạ! Anh sáng này hơi yếu, nhưng nó cũng đủ soi cho con đi đến cuối đường”.
Đời sống Kitô hữu nhiều lúc cũng đầy tăm tối, nhưng Chúa luôn ban đủ ánh sáng cho mỗi bước đi, và ta cũng chỉ cần bấy nhiêu. Nhưng ta chắc chắn một điều: ánh sáng đó không bao giờ tắt. Nếu ta lên đường, ánh sánh đó đủ soi cho ta đi đến cuối đường đời. (Góp nhặt).
3. Thiên Chúa bao giờ cũng muốn cứu chúng ta. Ngài ban đủ mọi phương tiện cho ta sử dụng để được cứu. Kẻ hư mất là kẻ thiếu cương quyết rời bỏ bóng tối để bước ra ánh sáng.
4. “Ánh sáng đã đến gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa”.
Một chiều thứ Bảy, anh đưa tôi dạo phố. Chúng tôi đang lặng lẽ rảo bước trên bờ hồ Xuân Hương, bỗng nhiên, một giọng nói quen thuộc cất lên: “Con chào cô!”. Như một phảm xạ, tôi quay lại. Trước mặt chúng tôi là một em bé rách rưới, bẩn thỉu, học trò của tôi ở trung tâm Bảo Trợ Xã hội. Em vui mừng, chạy lại ôm chầm lấy tôi. Nhưng vì sợ “quê” với anh, tôi đã vờ như không quen biết nó… và để lại sau lưng, sự hụt hẫng pha lẫn tủi hờn của đứa bé mồ côi đáng thương.
Bây giờ tôi mới rõ, tôi làm việc từ thiện chỉ vì chính mình!
Lạy Chúa, xin soi sáng và mở rộng lòng con, để con nhận ra đâu là sự sáng đích thực của Chúa và can đản theo Ngài. (Epphata).
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái