- C 1-3: + Sau ngày Sabát: Về thời gian các bà ra thăm mộ Chúa thì có người cho rằng vào lúc chập tối thứ bảy, tức là bắt đầu ngày thứ nhất trong tuần. Nhưng hầu hết các ý kiến đều dựa theo Tin Mừng Luca và Máccô để quả quyết rằng: các bà đến thăm mộ vào lúc tảng sáng ngày đầu tuần, tức là lúc mặt trời sắp mọc (Lc 24,1).
+ Bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria: Đây là những phụ nữ đã chứng kiến việc an táng Đức Giêsu (Mt 27,61). Khi ghi lại việc đến mộ này, Mátthêu nhằm nhấn mạnh các bà như là nhân chứng của mầu nhiệm Phục Sinh, đang khi Máccô và Luca lại trình này khía cạnh nhân bản: ra thăm mộ và mang theo dầu thơm để ướp xác Đức Giêsu (Mc 16,1; Lc 24,1).
+ Đất rung chuyển dữ dội: Chỉ Tin Mừng Mátthêu ghi lại chi tiết “đất chuyển mạnh" như câu này và ”màn đền thờ bị xé, đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung” xảy ra sau khi Đức Giêsu trút linh hồn trên cây thập giá (Mt 27,51-52). Những sự kiện này đều tiên báo cho “Ngày của Đức Chúa” do các Ngôn sứ đã tuyên sấm (Is 26,19; Ed 37,12; Đn 12,2).
+ Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên: Tảng đá được lăn ra ở đây có thể là do đất động, nhưng đã được gán cho thiên thần. Việc thiên thần xuất hiện lăn tảng đá và ngồi lên trên, cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa đã chiến thắng mọi dự tính của con người, khi họ muốn chôn Đức Giêsu và công việc cứu độ của Người trong mồ đá (Mt 27,66).
+ Diện mạo người như ánh chớp và y phục trắng như tuyết: Vẻ sáng láng của diện mạo và y phục trắng như tuyết là đặc điểm của cuộc thần hiện trong Thánh Kinh. Chẳng hạn: Trong sách Đa-ni-en, dung mạo Con Người giống như ánh chớp (Đn 10,6), áo của Đấng Lão Thành trắng tinh như tuyết (Đn 7,9), và khi biến hình, dung mạo Đức Giêsu cũng chói lọi như mặt trời, y phục Người trắng tinh như ánh sáng (Mt 17,2).
- C 4-7: + Thấy người, lính canh khiếp sợ: Sự xuất hiện của thiên thần làm cho lính canh hoảng sợ, vì được tiếp xúc với thế giới thần thiêng, giống như các tông đồ đã từng khiếp sợ khi thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển đến với các ông giữa đêm khuya (Mt 14,26).
+ Các bà đừng sợ: Thiên thần trấn an các bà. Lính canh phải sợ hãi chứ các bà việc chi phải sợ!
+ Các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh: Có sự song đối giữa “Đấng bị đóng đinh” với Tin Mừng “Người đã chỗi dậy”, hầu ứng nghiệm lời Người đã tiên báo là “Qua đau khổ để vào vinh quang” (Mt 16,21).
+ Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm: Các phụ nữ này được mời đến kiểm chứng nơi Đức Giêsu đã nằm để thấy lời thiên thần nói là xác thực.
+ Rồi mau về nói với môn đệ Người: Các bà được vinh dự nhận trách nhiệm mang sứ điệp Chúa Phục Sinh cho các môn đệ (Mc 16,7). Ở đây Mátthêu nhấn mạnh vì là sứ điệp quan trọng, nên các bà phải lập tức thi hành.
+ Và kìa Người đi Galilê trước các ông: Thiên thần nhắc lại lời tiên báo của Đức Giêsu về việc Người sẽ từ cõi chết sống lại và sau đó thiên thần còn cho biết Người hẹn sẽ gặp lại các ông tại xứ Galilê (Mt 26,32).
- C 8-10: + Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi, nhưng cũng rất đỗi vui mừng: Các phụ nữ tuy sợ nhưng lại rất phấn khởi, và lập tức thi hành sứ mệnh được trao phó.
+ Chào chị em: Lời chào nói lên niềm vui ơn cứu độ do Chúa Phục Sinh mang lại, giống như lời sứ thần Gáprien chào khi Truyền Tin cho Đức Maria (Lc 1,28).
+ Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân và bái lạy Người: Cử chỉ bái lạy để biểu lộ đức tin trước đó đã được nhiều người thể hiện với Đức Giêsu (Mt 8,2; 9,18; 14,33). Nhưng ở đây được các bà làm cách trang trọng, kèm theo cử chỉ hôn chân biểu lộ lòng yêu mến kính phục của môn đệ được gặp lại Thầy sau những ngày buồn sầu thất vọng.
+ Chị em đừng sợ: Lời trấn an của Chúa dành cho các môn đệ đang khiếp sợ khi đối diện với thần thiêng.
Chúa Phục Sinh đã hiện ra bao nhiêu lần với các môn đệ trước khi lên trời? Về các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh thì các Tin Mừng không nhất trí với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là các tác giả Tin Mừng đều không muốn kể lại toàn bộ các lần Chúa đã hiện ra sau khi từ cõi chết chỗi dậy. Ta chỉ có thể so sánh giữa nhiều đoạn văn của Tân Ước với nhau, để phỏng đoán: trong thời gian bốn mươi ngày trước khi lên trời, Chúa Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần chứ không phải chỉ vài ba lần như đã được kể lại (Cv 1,8; 13,31; 1 Cr 15,3-8). Riêng Mátthêu, vì viết theo lối giản lược, nên đã bỏ qua nhiều hoàn cảnh và nhiều chi tiết cụ thể các lần Chúa hiện ra trước đó, mà chỉ muốn nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Phục sinh hiện ra tại Galilê để chính thức sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng mà thôi (Mt 28,16-20).
Vào tháng 10 năm 1995, tại vùng Hồ Lớn ở miền Đông Bắc nước Mỹ, giáp ranh với Canađa, một câu chuyện xảy ra làm sửng sốt nhiều người: Một bé sơ sinh đã chết và sau đó nhờ lời cầu nguyện của cha mẹ và người thân, đã được Chúa cho sống lại như sau:
Bà Tenmơ (Tanmer) mẹ của bé Rơgheo (Reugel) xúc động, kể lại như sau: “Đây là một món quà của Thiên Chúa đã ban cho gia đình tôi. Khi mới mang thai Rơgheo, mọi chuyện đều diễn ra bình thường. Các bác sĩ đã theo dõi tôi chặt chẽ, vì cháu lớn của tôi đã từng bị chết khi vừa ra đời. Qua kết quả kiểm tra thai nhi ngay trước khi lọt lòng mẹ thì tim cháu vẫn đập bình thường. Thế nhưng chỉ ít phút sau, cháu đã ra đời trong tình trạng tim bị ngừng đập. Lập tức các bác sĩ đã tìm cách cấp cứu, nhưng sau khi làm hết cách mà vẫn không kết quả, họ đành chịu bó tay, và ra lệnh cho hộ lý vào lau rửa và bọc cháu trong một chiếc khăn lông, rồi đặt nằm trong nôi để cha mẹ và các người thân vào chào từ biệt, trước khi nhà đòn đến liệm xác cháu đem đi chôn. Bấy giờ cả gia đình tôi đều rất đau khổ. Bà ngoại là người cuối cùng bế cháu trong lúc mọi người sốt sắng cầu nguyện xin Chúa cho cháu được sống lại. Ít phút sau, bà ngoại phát hiện ra cháu vừa nấc lên một cái và thở mạnh. Bà nói to trong niềm vui: “Ồ, cháu tôi đang thở rồi này!”. Tiếng cầu kinh im bặt. Mọi người hồi hộp chạy lại gần. Bấy giờ bác sĩ trực đang ở gần đó vội chạy đến dùng ống nghe kiểm tra cháu và xác nhận cháu đã thực sự sống lại rồi. Ít phút sau phòng của bé đầy ắp người. Ai nấy đều ngạc nhiên chứng kiến sự kiện lạ lùng này trong niềm vui hân hoan khôn xiết.
- Sống đức tin vào Mầu nhiệm Phục Sinh: Để đạt được đức Tin, ngoài lòng yêu mến Chúa như Maria Mácđala, chúng ta cũng cần có sự khôn ngoan như tông đồ Gioan để tránh sự mê tín. Như Gioan xưa, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ý nghĩa của từng biến cố: ý nghĩa của cái chết đau thương trên Núi Sọ, ý nghĩa của ngôi mộ trống, của những tấm khăn được xếp đặt gọn gàng. Nhờ có đức Tin, chúng ta sẽ không bị hốt hoảng khi gặp thất bại, tai ương… Khi bị mất những cái quý giá như tiền bạc, địa vị, tình yêu…, Chúng ta cần làm gì phù hợp với đức tin noi gương bà Maria Mácđala xưa (Ga 20,11)?
- Loan Tin Mừng Chúa Phục Sinh: Phiến đá trấn ngoài cửa mộ đã không thể cầm hãm được Đức Giêsu sống lại. Những băng vải đã không thể trói buộc được Người. Sự sống đã chiến thắng thần chết. Ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối âm u. Tình yêu đã toàn thắng dù đã bị hận thù nuốt trửng! Niềm vui phục sinh sẽ là quà tặng bất ngờ cho chúng ta giống như Maria Mácđala đã có được khi tìm thấy Chúa Phục Sinh ở ngoài mồ Chúa, như các môn đệ có được khi lại nhìn thấy Chúa tại Galilê. Điều quan trọng là noi gương Maria Mácđala đã chu toàn sứ mệnh loan Tin Mừng cho các Tông đồ, mỗi người chúng ta sẽ phải làm gì để loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Chúa cho những anh em đang gặp sự đau khổ thất vọng và bị mất niềm tin?