A- Phân tích (Hạt giống...)
Tiếp bài giáo lý về việc Chúa trở lại: "Hãy xin thì sẽ được... Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin."
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Bài Phúc Âm hôm nay mở đầu bằng hai chữ "Ngày ấy", vẽ lên một tương lai rất tốt đẹp: "Ngày ấy... chúng con xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho chúng con nhân danh Thầy". Nhưng "ngày ấy" là ngày nào?
Trước đoạn Phúc Âm hôm nay 6 câu, tức là thuộc đoạn Phúc Âm hôm qua, Chúa Giêsu có nói: "Ít lâu nữa chúng con sẽ không thấy Thầy, nhưng rồi ít lâu nữa chúng con sẽ lại thấy Thầy" (16,17). Vậy "ngày ấy" là ngày Thầy trò gặp lại nhau sau một thời gian xa cách. Khi gặp lại nhau như thế, liên hệ Thầy trò sẽ hết sức gắn bó, đến nổi tuy hai nhưng chỉ là một, Thầy ở trong trò và trò ở trong Thầy.
Và chính vì Thầy trò liên hệ thân thiết với nhau như thế nên mới có hệ quả tốt đẹp là "Chúng con nhân danh Thầy mà xin điều gì với Chúa Cha thì Ngài cũng ban cho chúng con hết". Thật đúng như lời Chúa Giêsu nói ở chương trước chương này, trong dụ ngôn cây nho "Nếu chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con thì chúng con muốn gì cứ xin, chúng con sẽ được như ý" (15,7). Và điều này rất đúng, bởi vì khi chúng ta và Chúa Giêsu ở trong nhau, nên một với nhau thì Chúa Giêsu muốn gì, xin gì ắt chúng ta cũng muốn và xin như thế. Nói cách khác chúng ta không muốn và không xin gì ngoài những gì Chúa Giêsu muốn và xin. Và bởi vì Chúa Cha luôn nhậm lời Chúa Giêsu xin nên cũng sẽ luôn nhậm lời chúng ta.
Từ đó tôi hiểu rằng điều tốt đẹp nhất mà tôi sẽ được trong "ngày ấy" không phải là việc tôi xin gì và được gì, nhưng là việc tôi và Chúa Giêsu ở trong nhau và nên một với nhau, khiến tôi chỉ còn muốn những gì Chúa Giêsu muốn, và xin những gì Chúa Giêsu xin.
2. Cầu nguyện là đứng về phía Chúa: Khi cuộc Nam Bắc phân tranh bùng nổ tại Hoa Kỳ vào khoảng năm 1860, một vị giáo sĩ nọ đã đến gặp Tổng thống Abraham Lincoln và trịnh trọng phát biểu: "Thưa Tổng thống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn ở phía chúng ta trong cuộc chiến này". Nghe thế, Tổng thống Abraham Lincoln vặn lại: "Tôi không mấy quan tâm về điều đó, vì tôi biết rằng Thiên Chúa luôn đứng về phía những người công chính. Tôi luôn lo lắng và cầu nguyện để tôi và toàn dân Mỹ luôn đứng về phía Chúa" ("Mỗi ngày một tin vui")
3. "Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn."
"Cha ơi! làm sao con có thể sống được khi đó là người thân duy nhất của con, chồng con đã phản bội con và giờ đây đứa con duy nhất cũng sắp bỏ con rồi!" Lẫn trong những giọt nước mắt, người thiếu phụ thổn thức tâm sự cùng Cha xứ như thế, khi đứa con của bà đang cận kề cái chết.
Với lòng tin tưởng, cha quay sang hỏi người thiếu phụ: "Con có thể làm gì nếu như con muốn cho nó lành bệnh". Bà vội trả lời: "Thưa cha, con có thể hy sinh tất cả, kể cả cuộc sống của con, miễn sao con trai của con khỏi bệnh".
"Cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa chính là phương thuốc thần diệu nhất. Hãy về và cầu nguyện, Chúa sẽ nhận lời cầu xin tha thiết của con".
Người thiếu phụ trở về và thành khẩn van xin Chúa. Như một phép lạ, cậu con trai dần dần bình phục trước sự vui mừng khôn tả của bà.
Tôi tin rằng Chúa luôn đáp lại lời tôi cầu nguyên Dù Ngài đáp lại "Yes" hay "No", tôi vẫn tin rằng tất cả chỉ vì Ngài thương tôi, muốn tôi được hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin cho con biết lấy cầu nguyện là phương châm sống cho cuộc đời con. (Epphata)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)