A. Phân tích (Hạt Giống...)
Chúa Giêsu bắt đầu giải thích về thứ “của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”:
Thứ của ăn đó vượt trội hơn manna ngày xưa.
Nghe thế, dân chúng tưởng đó là một thứ thức ăn - cũng vẫn là vật chất - nhưng ăn vào thì sẽ không đói nữa, nên họ xin “Thưa Ngài, xin Ngài cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”.
B. Suy niệm (... nảy mầm...)
1. Thái độ dân Do Thái rất đáng ta suy nghĩ: nhớ tới manna ngày xưa, họ chỉ nghĩ rằng đó là thứ bánh vật chất nhưng ngon hơn thứ bánh ngày thường, cho nên họ cầu xin với Chúa Giêsu cho họ thứ lương thực vật chất đó để giúp họ no lâu hơn. Nhiều khi chúng ta đến với Chúa cũng chỉ để xin những nhu cầu thoả mãn cho cuộc sống vật chất như thế.
2. Những hình ảnh trong Tin Mừng Gioan luôn mang hai ý nghĩa: nghe tới “đói” phần xác thịt thì phải nghĩ tới cơn đói tinh thần, thấy thức ăn vật chất thì hãy nghĩ tới thức ăn tinh thần. Ước gì tôi cũng biết nghĩ như thánh Gioan khi cảm thấy đói, khát, mệt mỏi, đau yếu, bệnh tật…
3. Mỗi khi ăn, ta làm điều mà không nhà khoa học nào có thể làm: ta đưa vào trong mình một vật chất để giúp ta có sự sống. Thức ăn trở nên thành phần của cơ thể ta. Nhiều khi sức khỏe của ta lệ thuộc vào thức ăn. Một câu tục ngữ xưa nói: “Bạn là những gì bạn đã ăn”.
Thức ăn giàu chất dinh dưỡng: bạn mập; ăn vặt: bạn suy dinh dưỡng. Cho một bệnh nhân bị ghẻ ăn thức ăn thích hợp, da của anh sẽ sạch. Khi có sự nghiệp ta thường dùng thức ăn ngon.
Biết thế nên Chúa Giêsu quyết định ẩn mình trong tấm bánh và trở nên lương thực cho linh hồn của những kẻ theo Ngài (Góp nhặt).
4. Đức Giêsu bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh, ai đến với tôi, không hề phải đói, ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ”.
Đôi khi nhóm bạn chúng tôi cảm thấy chán nản vì cuộc sống tẻ nhạt, nhịp điệu đời sống cứ đều đều quay vòng: Học, ăn, ngủ, lo cho túi tiền có đủ xài đến cuối tháng… Sinh viên xa nhà thiếu thốn đủ thứ, thiếu vật chất, thiếu tinh thần, thèm xem phim, đói truyện báo, khát những buổi ca nhạc… Tai hại hơn, những bạn là Kitô hữu phần lớn là đói Tin Mừng, khát Lời Chúa vì những lý do không tên, để rồi đức tin mờ nhạt mà không hay biết.
Chúa ơi! chúng con chỉ biết đói khát những vật chất thế gian, xin cho chúng con nhận ra sự “đói khát”Lời Chúa trong chính bản thân mình (Epphata).
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái