Theo cuốn “Les noms et titres de Jesus” (1963), tác giả L. Saboutain đã thu thập được gần 50 tên gọi khác nhau để chỉ về Chúa Giêsu. Ngoài hai tên chính là Giêsu và Kitô ra, Chúa Giêsu đã được gọi bằng nhiều tước hiệu khác nữa. Thí dụ như Đấng Cứu thế, Đấng công chính, Vua bình an, Emmanuel, Mục tử, ánh sáng, đường đi, tình yêu, ... Nhưng có một tên nhắc nhở rõ ràng, trở thành chân lý do chính Thiên Chúa mạc khải đó là “Con Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu ý thức rõ rệt mình là “Con Thiên Chúa”, Con Thiên Chúa có nghĩa là chính Thiên Chúa vì nguyên ngữ Do thái nói như thế.
Trước hết, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn những người làm vườn nho hung ác để ám chỉ chính mình là người con duy nhất của Thiên Chúa (Mt 21,33). Chính Chúa Giêsu đã từng phân biệt Thiên Chúa Cha của riêng Ngài và Thiên Chúa Cha của nhân loại. Ít ra là 17 lần trong Mathêu. Thí dụ 7,21: “Không phải cứ nói lạy Chúa mà vào được nước trời, nhưng là kẻ thi hành thánh ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời”. Chúa Giêsu đã từng phân biệt giữa Cha của Ngài và của chúng ta, vì chúng ta được Thiên Chúa Cha chấp nhận, còn Chúa Giêsu là con tự nhiên. Trong Mathêu 6,9: ”chúng con hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời”... Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện như thế chứ chính Chúa Giêsu không làm kinh đó để Ngài xin với Cha Ngài đâu. Rồi hồi lên 12 tuổi, Chúa Giêsu ý thức rõ rệt bản tính làm Con Thiên Chúa (Lc 2,19).
Một số lần, Chúa Giêsu tự xưng mình là Con một cách đặc biệt, tuyệt đối và độc quyền (Mt 11,25-27; Lc 10,22; Mc 13,32; Mt 28,19). Những tiếng xưng tụng con Cha luôn luôn có mạo từ xác định (Ho Hyics Ho Pater!). “Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha đã giấu những điều ấy với kẻ hiền triết mà lại đem tỏ bày với kẻ hèn mọn. Không ai biết được con trừ ra Cha và không ai biết được Cha trừ ra con” (Mt 11,25). Chúa Giêsu dùng tiếng Abba khi cầu nguyện với Thiên Chúa Cha (Mt 14,34).
Chính thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin (Mt 16,15-19): “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”.
Chính thánh Gioan tiền hô cũng làm chứng chân lý này (Ga 1,34). Nathanael (1,49). Martha (11,27): “Con tin Ngài là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là Đấng phải đến trong thế gian”.
Chính lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước hội đồng công tòa Do thái (Mt 26,63-66). Khi được hỏi Ngài có phải là “Con Thiên Chúa” thì Chúa trả lời khẳng định và cũng vì đó mà Ngài bị lên án là nói lộng ngôn (Gio 10,29.33). Người Do thái tố cáo Chúa tự xưng mình là “Con Thiên Chúa” (19,7).
Chính Thiên Chúa Cha xác nhận hai lần rõ rệt việc làm con theo bản tính của Chúa Kitô. Đó là lúc Phép rửa ở Giodan (Mt 3,17) và dịp biến hình (Mt 17,5).
Ngoài ra chúng ta có thể gặp 100 lần nơi Gioan, Chúa Giêsu xưng tụng Thiên Chúa là “Cha Ta” nơi Mathêu 31 lần, Marcô 3 lần, Luca 4 lần.
Giờ đây, chúng ta nhớ lại, Chúa Giêsu là con Thiên Chúa nghĩa là Thiên Chúa, đồng bản tính, đồng uy quyền như Chúa Cha. Đôi khi, chúng ta đọc được một số đoạn văn Kinh thánh nói như Chúa Giêsu phụ thuộc vào Thiên Chúa Cha như là “nhận mệnh lệnh nơi Cha” (Ga 10,18), cầu xin cùng Thiên Chúa Cha… Nhưng tất cả những đoạn văn ấy, nói về Chúa Giêsu theo nhân tính mà thôi (1,5) và Kh 5,12 có nói đến nhân tính của Chúa Giêsu.
Biết được Chúa Giêsu là Thiên Chúa, chúng ta trực tiếp cầu nguyện với Ngài như một Thiên Chúa (Ga 14,14). Cho nên có những lời trực tiếp với Chúa Giêsu như lời cầu nguyện về phép Thánh Thể “Lạy Chiên Thiên Chúa”... Dĩ nhiên, cũng có những lời cầu nguyện hướng về Thiên Chúa Cha qua Chúa Con. Chúng ta nhớ rằng: cả ba Ngôi vị cũng là cầu nguyện lên Ba Ngôi.