1. Ánh sáng cho nhân loại
Mỗi dịp cuối năm, tạp chí Time có thói quen chọn một nhân vật làm người nổi bật của năm. Người được chọn cho năm 1994 là Đức Gioan Phaolô II. Trong số ra cuối năm, tạp chí Time đã đưa ra lý do chọn lựa này như sau:
“Đức Giáo Hoàng không cảm thấy bối rối về lối sống đê hèn đang lan tràn khắp nơi. Cách đây 2 tuần, ngài đã giải thích với tạp chí Time rằng: cuốn sách bán chạy của ngài và đường lối ngoại giao không mấy được ưa thích của ngài đều có cùng một trọng tâm triết lý, đó là qui về sự thánh thiện của con người, và ngài nói thêm: “Giáo Hoàng phải là một sức mạnh tinh thần.” Trong một năm mà nhiều người than phiền về sự suy đồi của những giá trị luân lý hoặc bào chữa cho những hành động xấu, thì Đức Gioan Phaolô II đã cố gắng đề ra cái nhìn của ngài về cuộc sống tốt đẹp và thôi thúc thế giới sống theo cuộc sống đó. Chính vì sự can đảm đó, ngài được chọn làm người của năm.”
Nhận định trên của tạp chí Time về Đức Gioan Phaolô II hoàn toàn phù hợp với cái nhìn của ngài trong tác phẩm “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng.” Như tựa đề mà Đức thánh cha chọn cho tác phẩm này đã có thể gợi lên: Hy vọng là sứ điệp mà ngài muốn nhắn gửi cho cả nhân loại trong giai đoạn này. Xuyên suốt qua cuốn sách, ngài không ngừng lặp lại câu nói ngài đã gióng lên tại quảng trường Phêrô khi được bầu làm Giáo Hoàng: “Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô.” Thiết tưởng đó phải là ý tưởng hướng dẫn những suy tư của chúng ta trong ngày cuối năm này.
Nhìn lại một năm qua với bao biến động đã xẩy ra cho thế giới, cho Giáo Hội, cho dân tộc, cho gia đình, cho chính bản thân, ai trong chúng ta cũng dễ bị cám dỗ buông xuôi theo đà chán nản thất vọng. Chính trong tâm trạng này mà chúng ta cần lắng nghe lời kêu gọi của Đức Thánh Cha: “Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!” Quả thật, Chúa Kitô đang gõ cửa tâm hồn của từng người. 2000 năm qua, như thánh Gioan đã viết trong lời tựa Tin Mừng của ngài: “Chúa Kitô là ánh sáng nhân loại đang chìm ngập trong u tối của chiến tranh, hận thù chết chóc, 2000 năm qua, hận thù và chiến tranh vẫn còn đó. Nhưng nhìn chung vào lịch sử của 2000 năm qua, không ai chối cãi được rằng ánh sáng của Chuá Kitô đã thực sự chiếu dọi vào trong tăm tối. Nói như Đức Gioan Phaolô II mãi mãi con người sẽ không bao giời có thể loại bỏ được Chúa Kitô ra khỏi lịch sử của mình. “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta” Mãi mãi Chúa Kitô luôn có mặt trong lịch sử con người. Đó chính là niềm hy vọng của các Kitô hữu: Chúa Kitô đang có mặt trong cuộc sống chúng ta. Với Ngài thì cho dù sóng gió có bao phủ, chúng ta không có gì để sợ hãi. Với Ngài thì cho dù tăm tối có phủ kín, chúng ta vẫn còn thấy ánh sáng để tiến bước, với Ngài thì cho dù thử thách thất bại có ngập tràn, chúng ta vẫn tiếp tục hy vọng.
Đó phải là tâm tình của chúng ta trong giờ phút này khi nhìn lại đất nước, gia đình, Giáo Hội, bản thân trong năm qua. Chúng ta hãy dâng lên Chúa niềm cảm mến tri ân và tin tưởng cậy trông của chúng ta.
2. Mầu Nhiệm Nhập Thể
Theo nhận xét của các nhà chú giải thì chương 20, 30-31 là đoạn kết sách Tin Mừng Thứ Tư. Trong c.31 tác giả nói đến mục đích của cuốn sách này là tạo điều kiện để các độc giả tin và tin mạnh hơn, nhờ đó họ nhận được sự sống đời đời. Nói khác đi, sách Tin Mừng thứ tư được viết nhằm đối tượng là những người đã có đức tin. Và nếu ta chấp nhận niên biểu tác phẩm này được viết vào cuối thế kỷ I, thì đây là một cộng đoàn đã sống đức tin từ lâu rồi.
Như thế, bài tự ngôn trong Tin Mừng hôm nay không chỉ nhằm chứng minh Mầu Nhiệm Nhập Thể, mà còn cho những kẻ tin xác tín rằng mầu nhiệm ấy soi sáng cho đời sống đức tin của họ nữa. Trong tinh thần đó, chúng ta đưa ra một vài suy nghĩ về Mầu Nhiệm Nhập Thể.
Thiên Chúa làm người không phải là một con người trừu tượng như định nghĩa của các triết gia: “Con người là cây sậy biết suy nghĩ,” nhưng là một con người cụ thể, liên đới với mọi thực tại của cuộc sống trên bình diện cá nhân, gia đình, xã hội; không một thực tại nào trong cuộc sống mà lại xa lạ đối với Ngài, và chính Ngài nhận lấy nó như thành phần của Ngài.
Như thế, niềm tin vào Thiên Chúa Nhập Thể làm người không được làm chúng ta xa lạ với thực tại trần thế, trái lại phải liên kết chúng ta với thực tại trần thế một cách bền chặt hơn. Vấn đề là trong khi dấn thân vào những công việc trần thế, chúng ta có để lại dấu ấn gì của Thiên Chúa và của giá trị Tin Mừng không? Nói khác đi, chúng ta có chu toàn bổn phận của mình trong gia đình, trong xã hội, trong đời sống chung hay không? Chúng ta có ý thức trách nhiệm của người Kitô hữu là làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân không?
Thiên Chúa làm người để nâng con người lên làm con cái Thiên Chúa. Giữa bầu khí linh thiêng của mùa Giáng Sinh, khi chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, mỗi người chúng ta hãy hồi tâm và tự hỏi: Tôi đã học được gì nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể làm người của Con Thiên Chúa? Tôi có đón nhận sự nghèo khó khiêm hạ của Máng cỏ như khởi điểm của một cuộc sống tăm tối, cho đến cái chết khổ nhục trên Thập Giá không? Đâu là món quà tôi có thể dâng tặng Ngài?