A. Phân Tích (Hạt giống...)
Mặc dù nhóm Sađốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy : ở đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như đời này.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu vừa xác nhận có cuộc sống đời sau, vừa cho biết ý nghĩa của cuộc sống ấy :
- Đời sau người ta sẽ bất tử, do đó không cần lưu truyền nói giống, cho nên cũng không cần cưới vợ lấy chồng.
- Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Chúa, như các thiên thần vậy.
B. Suy niệm (... nẩy mầm)
1. Linh mục, Tu sĩ là dấu chỉ và chứng nhân cho cuộc sống đời sau, một cuộc sống “như các thiên thần” không bận tâm chi đến việc vợ chồng, chỉ chuyên tâm phụng sự Chúa.
2. Trở nên chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa qua nếp sống vợ chồng (như cha mẹ chúng ta) không phải là chuyện dễ. Nhưng muốn là dấu chỉ và chứng nhân cho cuộc sống đời sau, sống “như các thiên thần”, cũng rất khó khăn ; rất cần ân huệ của Chúa. - Muốn đi đến nếp sống yêu thương với một con tim trọn vẹn không chia sẻ dành cho Chúa, ta cần được chuẩn bị để đạt được sự trưởng thành tâm cảm(maturité affective). Dần dần tập làm chủ được 4 trình độ của tâm cảm : - cảm xúc - tình cảm - tình yêu - đam mê.
3. Ta đọc lại lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II :
- Trong thông điệp Redemptor Hominis số 10 : ‘ Con người không thể sống khi thiếu vắng tình yêu. Họ sẽ không thể hiểu họ là gì, và sẽ cảm thấy cuộc đời họ là vô nghĩa : nếu họ không đón nhận mặc khải tình yêu, không gặp gỡ tình yêu, không cảm nghiệm tình yêu, không đồng hoá với tình yêu, không mạnh dạn tham dự vào tình yêu.’
- Trong Tông Huấn Pastores Dabo vobis (Đào tạo Lm) số 44 : “Tình yêu ở đây là tình yêu bao quát toàn diện cá vị con người với mọi chiều kích và mọi thành phần : vật lý, tâm lý và tinh thần ; một tình yêu được diễn đạt nơi “ý nghĩa hôn nhân” của thân thể con người, nhờ đó mà con người tự hiến cho kẻ khác và đón nhận họ. Việc giáo dục giới tính đúng nghĩa cần phải hướng đến nhận thức và thực hiện chân lý đó về tình yêu nơi con người.”
4. Mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience) : nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau :
- Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
- Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).
5. “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài tất cả đều đang sống” (Lc 20,38)
Trong một lần trao đổi với chị bạn cùng lớp, chị cho rằng tuy không có đạo song cũng không hoàn toàn phủ nhận Thiên Chúa. Nhưng có điều, nhìn vào cuộc chiến tàn khốc ở Ruanđa giữa bộ tộc Hutu và Tutsi, đều là những người công giáo với nhau mà giết nhau cách dễ dàng, hoặc như gia đình hàng xóm nhà chị, lễ lạy kinh hạt mỗi ngày nhưng hết “nội chiến” đến “ngoại chiến”. Chị không khỏi tự hỏi : niềm tin kitô giáo có còn khả năng thăng tiến con người như những gì giáo lý dạy không ?
Như thế, dẫu tôi tin có Thiên Chúa nhưng lại không sống yêu thương thì cũng có nghĩa là tôi đang “khai tử” cho Thiên Chúa rồi.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, xin ban cho con sự sống của Ngài, sống vì yêu và sống cho tình yêu. (Hosanna)
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái