A. Phân tích (Hạt giống...)
Đoạn này mở đầu một đơn vị văn chương được gọi là “diễn từ chung luận” (Lc 21,5-36), trong đó Chúa Giêsu bàn đến những vấn đề “chung kết” của lịch sử là : sự sụp đổ của thành Giêrusalem, ngày tận thế, và ngày Đức Kitô quang lâm. Diễn từ này khó hiểu, một phần vì được viết theo văn thể khải huyền, phần khác vì 3 biến cố trên được nhắc đến xen lẫn nhau khiến người đọc không biết rõ những câu nào nói đến biến cố nào.
- các câu 5-6 : Chúa Giêsu tiên báo thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá.
- câu 7 : thính giả liên tưởng tới ngày tận thế nên hỏi Chúa Giêsu khi nào thì tận thế và có dấu nào báo trước không.
- câu 8-11 : Chúa Giêsu không muốn cho biết những dấu chỉ rõ ràng về ngày tận thế. Bởi đó trước tiên Ngài khuyên người ta chớ tin vào những dấu chỉ mà người này người nọ đưa ra cho rằng sắp tận thế. Kế đó Ngài dùng những hình ảnh khải huyền khó hiểu để nói một cách úp úp mở mở rằng khi tận thế thì những gì xưa nay người ta cho là chắc chắn đều sẽ lung lay.
B. Suy niệm (... nẩy mầm)
1. Mọi công trình con người xây dựng, dù cho kiên cố và quý giá đến đâu đi nữa, kể cả Đền thờ Giêrusalem... tất cả đều sẽ có ngày sụp đổ. Chẳng có gì bền vững ở thế giới này. “Trăm năm bia đá cũng mòn” ; “Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa. Hoa nào không phai tàn ? trăng nào không khuyết ? ngày nào mà không có đêm ? yến tiệc nào không có lúc tàn ?”
2. Triết lý Á Đông : “sự vật hễ có hình thì có hoại”.
3. Trong tuần lễ cuối cùng của năm Phụng vụ, Lời Chúa nhắc chúng ta hãy suy nghĩ về những vấn đề cuối cùng của đời người : chết, phán xét, số phận đời đời...
4. Các nhà văn muốn viết một quyển truyện hay thường nghĩ trước phần kết của câu truyện. Chúng ta muốn viết quyển truyện đời mình cho hay thì cũng phải nghĩ trước về ngày chết của mình, đừng như nhân vật trong chuyện dưới đây :
“Nhà khoa học Huxley đang gấp vì sợ đến trễ phiên họp trong đó ông phải đọc một bài tham luận. Ông nhảy lên một chiếc xe ngựa và bảo người đánh ngựa “Hãy chạy hết tốc lực”. Xe chạy một quãng, ông mới giật mình hỏi “Nhưng mà ta đang chạy đi đâu vậy ?”. Người đánh ngựa đáp : “Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết là xe đang chạy hết tốc lực”. (Clifton Gadiman).
5. Cả cuộc sống êm ả lẫn cuộc sống bất ổn cũng đều tiềm tàng những thuận lợn và những hiểm nguy cho đời sống thiêng liêng. Vấn đề là làm sao luôn rút được ích lợi ngay giữa hai tình cảnh đối nghịch đó :
Nếu được sống triền miên trong sự êm ả (Td : sống trong một xã hội sung túc đầy đủ, không bao giờ phải lo chiến tranh hoạn nạn…) người ta sẽ dễ an tâm sống đạo thờ phượng Chúa. - Nhưng cũng dễ rơi vào chỗ coi thường, bất cần đến đạo, bất cần đến Thiên Chúa. + Trong Cựu Ước, mỗi khi dân Chúa li bì trong cảnh thái bình mà đâm ra truỵ lạc, tự mãn, không coi Thiên Chúa ra gì, thì thường xuất hiện vị ngôn sứ loan báo tai hoạ để nhắc nhở dân (gọi là ngôn sứ báo hoạ).
Ngược lại, nếu luôn phải sống trong phập phồng lo sợ, người ta dễ thấy mạng sống mình mong manh, thấy của cải vật chất không giúp bảo đảm gì nhiều cho mình. Khi đó người ta dễ chạy đến với Chúa. - Nhưng nếu cứ phải sống triền miên trong bất ổn, cuộc đời dễ mất ổn định và khó lòng đạt được những hoa trái của sự bình an. Suy niệm đời ông Gióp giúp ta hiểu rõ hơn.
6. “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21,6)
Ồ một chiếc bông hồng vừa hé nở đẹp quá ! Thế mà chỉ vài ngày sau nó đã tàn úa, vì đó chỉ là những vẻ đẹp chóng qua.
Đền thờ Giêrusalem, một công trình mất đến 40 năm mới hoàn tất, vậy mà Chúa bảo rồi sẽ có ngày bị tàn phá. Giữa những vẻ đẹp nhân tạo, những vẻ đẹp của trần thế chóng qua, Chúa muốn tôi tìm kiếm vẻ đẹp không bao giờ tàn úa. Chỉ có vẻ đẹp của tâm hồn, chỉ có sự thánh thiện mới không có gì phá huỷ đ. Vẻ đẹp đó chỉ có thể tô điểm bằng yêu thương và phục vụ.
Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương và phục vụ, để giữ mãi vẻ đẹp của tâm hồn. (Hosanna)
Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái