Thứ ba tuần 29 Thường niên C

Lời Chúa: Lc 10,1-9
Tác giả: Uỷ Ban Kinh Thánh HĐGM Việt Nam

Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông : "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : "Bình an cho nhà này !" 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."
Bài giảng Thứ ba tuần 29 Thường niên C

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Thứ ba tuần 29 Thường niên C

Suy niệm:

Ngày 18/10: Thánh sử Luca, tác giả sách Tin Mừng - lễ kính

LỊCH SỬ

Thánh Luca được xem như tác giả quyển Phúc Am thứ ba và quyển Công Vụ Tông Đồ. Theo truyền thống, ngài được sinh ra ở Antiochia, xứ Syrie trong một gia đình ngoại giáo. Theo Cl 4,14 ngài là lương y và đã chữa bệnh cho thánh Phaolô.
Về Phúc Âm, ngài lấy Phúc Âm thánh Mác-cô làm nền và sử dụng nhiều lưu truyền theo những nguồn gốc khác, nhưng tổng thể đều bị ảnh hưởng lấy con người của ngài.
Ngài nhấn mạnh đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và tình yêu của Chúa Giêsu đối với người nghèo và tội nhân. Luca cũng nói về cầu nguyện và Chúa Thánh Thần nhiều hơn Mát-thêu.
Trong Công Vụ Tông Đồ, với cái nhìn lịch sử và văn chương, ngài tường thuật những ngày đầu của Kitô giáo. Ngài đã sử dụng nhiền nguồn khác nhau, nhưng phần lớn, ngài ghi lại như nhân chứng, chỉ vì thánh Phaolô đã đem ngài theo trong cuộc truyền giáo lần thứ hai và thứ ba, nhất là trong cuộc du hành bị bắt giải về Rôma (X Cl 4,10-14 ; Plm 24 ; 2Tm 4,10).
Việc tôn kính thánh Luca đã có từ thế kỷ thứ 8. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Đây là bài sai các môn đệ ra đi loan Tin Mừng. Hãy chú ý một số điểm
- “Sau đó Đức Giêsu chỉ định 72 người khác và sai các ông đi” : Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà St 10 đã liệt kê.
Luca đã ghi một bài sai truyền giáo nhắm đến nhóm 12 tông đồ (x. Lc 9,1-6). Bây giờ Luca lại ghi một bài sai truyền giáo khác nhắm đến 72 môn đệ. Theo St 10, con số 72 là số chỉ tất cả các dân trên trái đất. Như thế, việc truyền giáo là sứ mạng không riêng của các tông đồ mà còn của tất cả mọi tín hữu.
- “Từng nhóm hai người” : Việc loan Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.
- “Hãy cầu xin” : Việc đầu tiên mà nhà truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa là chủ mùa gặt, nhận ai vào Nước Thiên Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Chúa Giêsu bảo cầu xin là để các môn đệ ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Chúa, và để có thêm nhiều người nữa nhận được ơn ấy.
- “Như chiên non vào giữa sói rừng” : Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ về những hiểm nguy và sự thù nghịch mà có thể họ sẽ gặp phải.
- “Đừng chào ai dọc đường” : việc chào hỏi của người Phương Đông thường kéo theo những câu chuyện rề rà rất lâu. Trong khi sứ mạng loan Tin mừng đòi phải gấp.
- “Bình an cho nhà này” : đây vừa là một lời chúc vừa là một lời ban ơn bởi vì nó có sức tạo nên điều nó chúc (Is 45,23). Người rao giảng Tin Mừng phải là “con cái của sự bình an”. Họ phải có bình an trong mình và sau đó đem bình an ấy ban lại cho người khác. Nếu nhà nào đáng được hưởng ơn bình an thì được bình an, nếu không thì ơn bình an trở lại cho người chúc.
- “Cứ ở lại nhà ấy” : gặp nhà nào đầu tiên cho ở thì người môn đệ hãy ở đó. Đừng tìm hiểu nhà để so sánh chọn lựa nhà nào tiện nghi hơn. Điều quan trọng là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa chứ không phải tiện nghi cho mình hoặc cách người ta tiếp rước mình.
- “Ăn uống của người ta cung cấp cho mình” : sứ mạng của môn đệ đừng để bị ảnh hưởng bởi những quan tâm có tính cách trần thế (đòi hỏi hoặc e ngại những gì của ăn uống người ta lo cho mình).
    - “Thợ đáng trả lương” : đây là một nguyên tắc (1Tm 5,18 ; 1Cr 9,11). Nhưng người thừa sai cũng có thể tự ý từ chối (1Cr 9,14-18).
    - “Người ta dọn thức gì cứ ăn thức ấy” : Người rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không còn bị bận vướng bởi luật Môsê về sự phân loại thức ăn nào sạch, thức ăn nào dơ (1Cr 10,27).
    - “Hãy chữa lành các bệnh nhân” : đây là dấu hiệu Nước Thiên Chúa gần đến.
B. Suy niệm (... nẩy mầm)
1. Truyền giáo là bổn phận của tất cả mọi tín hữu không trừ ai. Thực ra, người tín hữu VN chỉ mới lo giữ đạo chứ chưa ý thức truyền đạo.
2. Việc đầu tiên người truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Đây là điều mà chúng ta hay quên.
3. Điều thứ hai người truyền giáo phải lưu ý là : cái họ cần có hơn là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…)
4. Người truyền giáo phải có tinh thần nghèo : không trang bị nhiều phương tiện vật chất, không so đo về nơi ăn chốn ở.
5. Việc làm chính của người truyền giáo là “chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất của người ta.
6. Vài mẫu chuyện về việc kiến tạo bình an :
a/ Người Trung Hoa có câu : “Nếu bạn nói lời dịu dàng, bạn sẽ không cần dùng đến roi”.
b/ Sách Châm ngôn viết : “Lời đáp dịu dàng làm nguôi cơn giận, lời nói tổn thương khêu thêm giận dữ” (Cn 15,1)
c/ Hai con dê đi ngược chiều nhau và gặp nhau trên một chiếc cầu hẹp. Nếu chúng chen nhau để đi thì cả hai sẽ rơi xuống sông. Nếu chúng đánh nhau dành lối đi thì kết quả còn tai hại hơn nữa. Cuối cùng chúng đã tìm ra được một giải pháp : một con nằm bẹp xuống cho con kia cỡi lên mình nó đi qua, sau đó nó đứng dậy tiếp tục đi theo hướng của nó (Philip Henry).
7. “Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép.(Lc 10,4)
Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang theo thứ gì ? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm nay, trong lênh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong...
Và phải chăng cũng vang động trong tâm hồn tôi lời mời gọi “ra một cuộc lữ hành” ? Nhưng lạy Chúa, khó quá, vì nơi con : Đã quen rồi bóng râm của tiện nghi, an toàn. Đã quen rồi đôi giày của danh vọng. Đã quen rồi chiếc đồng hồ kế hoạch. Đã quen rồi bao bị của bằng cấp, bạc tiền.
Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con (Hosanna)