Trong hai ngày qua, thứ Hai và thứ Ba Tuần Thánh, và hôm nay nữa, thứ Tư Tuần Thánh, chúng ta được nghe nhắc đến dung mạo của một người đồ đệ phản bội Chúa là Giuđa Iscariốt. Sự phản bội này không phải là một điều bất ngờ, và lại càng không phải là điều bất ngờ đối với Chúa Giêsu, Ðấng đã biết trước mọi sự sẽ xảy ra cho Ngài như thế nào. Giuđa đã đi đến việc phản bội Chúa, có lẽ vì ông ta đã để cho sự quan tâm về lợi lộc vật chất dần dần chiếm hết chỗ trong tâm hồn và đã để cho sự hăng say theo Chúa lúc ban đầu bị phai nhạt đi. Chúa Giêsu không còn là Thầy, là Chúa và là tất cả của cuộc đời ông nữa, nhưng là một món hàng mà Giuđa đem bán cho những kẻ muốn giết Ngài với giá tiền ba mươi đồng, mức giá trị của một người nô lệ đáng khinh.
Giuđa đã âm mưu nộp Chúa cho các Thượng tế và đã thành công giấu ý định này không cho các môn đệ khác biết, nhưng Giuđa đã không thể nào giấu điều đó với Chúa Giêsu được. Chúa biết hết nhưng Ngài vẫn đối xử tốt với Giuđa cho đến cùng. Chúa không bỏ qua những dịp may để giúp Giuđa hồi tâm. Trước hết là Bữa Tiệc Vượt Qua giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Dĩ nhiên, là người thủ quĩ, Giuđa thản nhiên tham dự vào bữa tiệc, mặc dù đoạn Phúc Âm không nói ra. Tinh thần hiệp thông của bữa tiệc không thức tỉnh Giuđa nổi. Rồi những lời của Chúa: "Một người trong các con sẽ nộp Thầy,” và Giuđa chắc chắn được nghe rõ nhưng không làm cho Giuđa giật mình tỉnh ngộ. Rồi sự buồn phiền của các môn đệ khác trong bữa tiệc cũng không có tác dụng gì trên ý định của Giuđa muốn nộp Chúa Giêsu. Thấy các môn đệ lần lượt hỏi Chúa xem có phải là họ hay không, thì Giuđa cũng làm theo như vậy. Tệ hơn nữa, Giuđa dùng từ ngữ không còn ý nghĩa kính trọng đối với Chúa Giêsu trong câu hỏi đặt ra cho Chúa, vì trong khi các môn đệ khác gọi Thầy là Chúa với lòng kính trọng, thì Giuđa dùng một từ ngữ chỉ dành riêng cho một người tầm thường là Rabbi (thưa thầy). Kể từ khi chấp nhận mức giá trị đặt Chúa ngang hàng như một người tôi tớ chỉ đáng giá ba mươi đồng bạc, Giuđa xem như đã mất đi niềm tin vào Chúa như là Ðấng Cứu Rỗi. Giuđa không còn muốn trở lui, không còn muốn rút lại âm mưu nộp Chúa cho đến khi quá trễ. Khi Chúa bị kết án tử hình, thì Giuđa hối hận đi tự tử, như được kể lại nơi đầu chương 27 Phúc Âm thánh Mátthêu.
Phần Chúa Giêsu, Ðấng đã so sánh mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm con chiên lạc, Ngài vẫn trân trọng thể diện của Giuđa, không nói thẳng thừng, không vạch mặt nêu tên Giuđa cho mọi người biết, nhưng âm thầm tạo dịp để thức tỉnh lương tâm Giuđa. Và lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất là khi Chúa Giêsu tuyên bố: "Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người, thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn". Chúng ta không nên hiểu lời cảnh tỉnh này như một lời kết án Giuđa phải hư mất mãi mãi. Không phải như vậy, lời cảnh tỉnh mạnh mẽ của Chúa nhằm làm nổi bật sự khốn cùng của người phản bội Chúa, một sự khốn cùng mà người phản bội tự ý đi vào vì ngoan cố. Sống mà phản bội Chúa, chối bỏ ơn cứu rỗi của Chúa một cách có ý thức và ngoan cố, thì tệ hơn là không sống, không sinh ra trên trần gian này. Không phải tất cả mọi người đều biết khám phá và đáp trả tình yêu của Chúa đối với họ. Thời nào cũng vậy, cũng có những người không nhìn nhận tình yêu Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay dàn ra những cảnh đối nghịch giữa thiện và ác. Sự bài trí xen kẽ liên tiếp đã tạo nên nét bi hùng. Giuđa và Phêrô là biểu tượng của nhóm hành ác. Còn Ðức Giêsu mẫu người của thiện tâm. Trình thuật khởi đầu kể những toan tính, những mưu kế phản bội của Giuđa - bên cạnh kế hoạch yêu thương của Ðức Giêsu trong việc chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua sau hết với các môn đệ thân yêu. Cả hai kế hoạch thiện - ác đều dần dần được thực hiện: Người môn đệ sẽ bội phản, nhưng đổi lại, hành vi yêu thương của Thầy vẫn đầy tràn qua việc thiết lập Bí Tích Tình Yêu. Ðoạn sau chót của trình thuật cho thấy rõ: đây là thời của thế gian, nên sự ác trổi vượt hơn với việc loan báo tông đồ Phêrô nhẹ dạ chối Thầy. Nơi các môn đệ kẻ thì phản bội, người thì chối từ. Còn Thầy Giêsu dù thế nào đi nữa vẫn một mực trung tín.