Thứ Sáu – Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Lắng nghe và sám hối.

Lời Chúa: Lc 10, 13-16
Tác giả: Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Thánh nhân sinh quãng năm 340 tại Xơtriđôn, Đanmaxia. Người đến Rôma học văn chương và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy tại đó. Người sang Đông phương và làm linh mục. Trở lại Rôma, người làm thư ký cho Đức Giáo Hoàng Đamaxô. Thời gian này, người bắt đầu dịch Sách Thánh sang tiếng La tinh và cổ võ nếp sống đan tu. Nhưng nhất là người đã sống 35 năm cuối đời ở Bêlem, gần cái hang nơi Đức Giêsu ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình, chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chú giải Kinh Thánh. Người qua đời ở Bêlem năm 420.

Bấm vào đây để đọc lời Chúa tiếng Anh

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. "

Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục. "Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".

Bài giảng Thứ Sáu – Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Lắng nghe và sám hối.

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Thứ Sáu – Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Lắng nghe và sám hối.

Suy niệm : Khốn cho ngươi

 

Tin Mừng hôm nay kể lại một kinh nghiệm không vui của Đức Giêsu,

Kinh nghiệm của một người tận tụy với công việc tông đồ

nhưng sau thời gian dài chờ đợi, kết quả lại không như ý.

Đức Giêsu là người vùng Galilê, hẳn Ngài yêu vùng đất này.

Ngài thường lui tới những thành phố quanh Hồ Galilê.

Khoradin, Bếtsaiđa, Caphácnaum nằm trong số đó.

Ngài đã rao giảng nhiều về sám hối (7, 36-50; 13, 1-5; 19, 1-10),

và Ngài cũng làm bao phép lạ kèm theo để gọi mời hoán cải.

Có thể nhiều người bị đánh động khi nghe lời Ngài giảng

và bị thu hút bởi các phép lạ Ngài làm.

Nhưng đối với Đức Giêsu, như thế vẫn chưa đủ.

Tất cả vẫn chỉ là hời hợt của cảm xúc bên ngoài.

Điều Ngài đòi hỏi là biến đổi tận căn bên trong cuộc sống.

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa!

Đức Giêsu đau đớn thốt lên như thế khi phải so sánh hai thành phố trên

với hai thành phố dân ngoại tội lỗi là Tia và Xiđôn (Is 23; Ed 26-28).

Hai thành phố ở Galilê chẳng đổi gì mấy dù đã biết Ngài từ lâu.

Dân ở đây sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn trong cuộc phán xét.

Thành phố Caphácnaum cũng chẳng khá hơn,

dù đây là nơi Đức Giêsu hay lui tới để phục vụ (Lc 4, 23. 31-37; 7,10).

Ngài đặt thẳng câu hỏi với thành phố này về tương lai của nó (c. 15).

Đừng mong được nâng đến tận trời, nhưng sẽ bị xuống tận âm phủ!

Đức Giêsu có kinh nghiệm về thất bại trong việc tông đồ.

Ngài cũng nhắc các môn đệ về chuyện đó (Lc 10, 10-12).

Không được tiếp đón, bị từ khước, không được người ta nghe (c.16),

thậm chí có khi bị bách hại, bị vu khống, bị giết chết.

Đó là những điều người môn đệ tín trung vẫn thường gặp,

vì Thầy của họ đã trải qua và vượt qua.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói chuyện với các thành phố,

những nơi thân quen, đã mang dấu chân Ngài.

Ngài lấy làm tiếc vì những gì Ngài làm chưa thấm vào bề sâu,

chưa tạo ra được những thay đổi nơi lòng thành phố.

Một sám hối thật sự không phải chỉ là một sám hối cá nhân,

nhưng là sám hối nơi sinh hoạt của cả một thành phố.

Nếu hôm nay Ngài đến với thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì?

Ngài có chỗ không ở mọi nơi người Kitô hữu đang sống,

đang làm việc, đang học hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện?

Sám hối là trả lại chỗ cho Ngài trong mỗi góc phố vắng,

là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất.

Ước gì chúng ta biết xây dựng quanh ta

những khoảng không gian tràn ngập sự hiện diện của Giêsu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.

để khi thấy con, người ta phải nói:

“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt.”

Và nếu có ai hỏi con

tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,

con sẽ trả lời

vì con là tôi tớ của một đấng tốt hơn con nhiều.

“Mong sao bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”

Con muốn sống thật tốt, để người ta có thể nói:

“nếu tôi tớ mà tốt như vậy,

thì Chủ sẽ tốt đến ngần nào?” (Chân phước Charles Foucauld).