Thứ tư tuần XXXII Thường niên, A

Lời Chúa: Lc 17,11-19
Tác giả: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

 
11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng : "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !" 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ : "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói : "Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?" 19 Rồi Người nói với anh ta : "Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."  "Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông"

Bài giảng Thứ tư tuần XXXII Thường niên, A

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ Thứ tư tuần XXXII Thường niên, A

Suy niệm: 
A. Phân tích (Hạt giống...) 
 
1. Thái độ của 10 người cùi trong đoạn Tin Mừng này : biết phận mình nên khi thấy Chúa Giêsu thì “dừng lại đàng xa” và kêu xin.
 
2. Khi của Chúa Giêsu bảo họ “Hãy đi trình diện với các tư tế”, Chúa Giêsu vừa thử đức tin của họ vừa mời họ tin tuyệt đối vào Ngài :
 
- Thử thách đức tin : vì Ngài không chữa bệnh ngay
 
- Mời gọi đức tin : nếu họ đi là chứng tỏ họ tin Ngài chữa họ.
 
3. 9 người cùi do thái không trở lại tạ ơn vì họ đã quen được ơn Chúa nên coi đó là việc bình thường. Một người cùi xứ Samari trở lại tạ ơn vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được ơn, thế mà lại được.
 
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
 
1. Cám ơn là gì ? Điểm đáng chú ý là Thánh Luca không ghi lại lời cám ơn của Người Samari cho nên chúng ta không biết anh ta đã nói gì. Nhưng Thánh Luca ghi khá tỉ mỉ thái độ của anh ta : anh “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại, lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài”. Thực ra nói cám ơn Chúa thì chúng ta đã nói nhiều. Nhưng lòng biết ơn thực còn xuất phát từ sự nhận thấy tình thương Chúa, thức đẩy ta quay trở lại với Chúa, thôi thúc ta tôn vinh Chúa và sấp mình thờ lạy Chúa nữa. 
 
2. Hai tiếng “Cám ơn” giúp ích rất nhiều chẳng những cho ta mà còn cho người được nghe nó nữa :
 
- Khi ta cám ơn ai, người đó sẽ hài lòng, và lần sau họ sẽ sẵn sàng giúp ta nữa.
 
- Nghe ta nói cám ơn, lòng người ta vui, mặt người ta sáng, người ta sẽ làm việc vui vẻ hơn.
 
Hai tiếng “cám ơn” khi được thốt ra bởi những người lớn hơn thì càng sinh hiệu quả nhiều hơn. Chẳng hạn cha mẹ cám ơn con cái, thầy cô cám ơn học trò, chủ cám ơn tớ...
 
Nhưng tại sao người ta thường cám ơn “người dưng” hơn là cám ơn “người nhà” ? (Frank Mihalic).
 
3. Tâm lý chung : 
 
- Ta quen nghĩ đến mình và quên nghĩ tới người, nhất là trong những lúc quá mừng, quá lo (những ngày đại tiệc, dễ quên cám ơn những người phục vụ bếp núc đã vất vả cho buổi lễ của ta). 
 
- Ta dễ vụ lợi, ích kỷ, vô ơn : ‘Hữu sự vái tứ phương, vô sự đồng hương không mất’, ‘Vòng chưa thoát khỏi đã cong đuôi’.
 
4. Người Á đông chúng ta có thói quen trọng sự biết ơn : Biết ơn ông bà tổ tiên, Đạo ông bà… Nhưng cũng nên đề phòng thái độ biết ơn chỉ ngừng lại ở phạm vi công bằng, biết điều, ‘Ơn đền ; oán trả’, và đi đến chỗ phải mau lo đền ơn để  rũ nợ cho sớm. 
 
5. Một cậu bé ngồi hàng ghế đầu trên xe buýt. Thấy một cụ già lên xe, cậu nhường ghế cho cụ. Ông cụ ung dung ngồi xuống, không nói tiếng nào. Cậu bé hỏi:
 
- Thưa ông, ông vừa nói gì thế ?
 
- Tôi có nói gì đâu.
 
- Vậy mà cháu tưởng ông nói “cám ơn” chứ. (Quote)
 
6. Các tâm tình tạ ơn gương mẫu : - Magnificat - Benedictus - Nunc dimmittis - Thánh Lễ (Eucharistie).
 
7. “Một người trong bọn thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17,15)
 
Chúa cho con đôi mắt, con nhìn bao kỳ công
Chúa cho con đôi tai, con nghe đủ âm thanh
Chúa cho con đôi môi, con hé mở nụ cười
Chúa cho con hai tay, bưng chén cơm, cầm bút
Chúa cho con đôi chân, dẫn con khắp nẻo đường
Chúa cho con khối óc, phân biệt điều thực hư…
Những điều con có đó, tưởng tầm thường nhưng thật vĩ đại, thật cao cả. 
Mà đã lần nào con nhớ đến những thứ ấy để cám ơn Chúa.
Chắc đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, con mới nhận ra những thứ ấy thật quý giá.
 
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con nhiều điều. Nhưng xin ban cho chúng con một điều nữa là cho chúng con luôn biết nhận ra những ân huệ Chúa mà không ngừng cảm tạ tri ân. Amen. (Hosanna) 

Nguồn: WGPSG