CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN năm B. – Gió lẫn biển đều vâng lệnh Người.

Lời Chúa: Mc 4, 35-40
Tác giả: Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Bấm vào đây để đọc lời Chúa tiếng Anh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ".

Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người.

hợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?"

Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"

Bài giảng CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN năm B. – Gió lẫn biển đều vâng lệnh Người.

Tải file tại đây: Bài giảng Thánh lễ CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN năm B. – Gió lẫn biển đều vâng lệnh Người.

SUY NIỆM: Thầy không lo sao?

(Trích trong ‘Manna’)
 

Các môn đệ gặp trận cuồng phong khi vượt biển.

Họ kinh hoàng vì thấy mình sắp bị nuốt chửng.

Bất lực trước cơn cuồng nộ của sóng gió,

họ đã đánh thức Đức Giêsu, xin Ngài giúp đỡ.

Cuộc đời nào tránh được mọi cơn giông tố?

Ai trong chúng ta cũng thích biển lặng sóng yên,

nhưng giông tố lại giúp ta nhận ra mình:

yếu đuối, chao đảo, mong manh, bất lực,

không đủ khả năng đương đầu với bao thách đố.

Giông tố đưa ta đến với Đức Giêsu,

và phó thác cho sự trợ giúp của Ngài.

“Chúng con chết mất!”

Cái chết thể lý và cái chết tinh thần.

Cái chết của bản thân và của tập thể mình gắn bó.

Cái chết của những công trình mình xây dựng.

Chúa là sự sống, sao Chúa lặng yên để chúng con chịu chết?

Sao Chúa để sự dữ tung hoành trên thế giới?

“Mà Thầy không lo sao?”. Một lời trách móc?

Nhiều khi chúng ta cũng trách Chúa như vậy.

Có vẻ Chúa quá vô tư, lãnh đạm, hững hờ.

Chúa yên ngủ khi đời ta gặp cơn giông tố.

Đức Giêsu đã thức dậy, ra lệnh cho gió và biển:

“Câm đi! Im đi!”. Gió ngừng ngay và biển lặng xuống.

Sự lặng đi của biển đưa đến sự trầm lặng của lòng.

Nỗi kinh hoàng tan biến, nỗi sợ chết cũng bay xa.

Nhưng chúng ta không đòi phép lạ biển lặng trong đời.

Điều quý hơn, đó là lòng ta được lặng.

Lòng lặng không phải vì biển lặng,

mà lặng ngay giữa lúc biển động.

Đó là một phép lạ lớn hơn nhiều,

và đó cũng là thái độ Chúa muốn ta phải có.

Tại sao các anh lại kinh sợ?

Sóng gió làm gì được các anh

khi Thầy đang cùng các anh ở chung một con thuyền?

Đức Giêsu đòi các môn đệ không được khiếp sợ.

Thầy đã làm bao phép lạ trước mắt các anh,

vậy mà các anh vẫn chưa có lòng tin ư?

Nếu có lòng tin thì đâu có cuống cuồng như vậy.

Đức tin chỉ lộ ra khi biển động.

Và có thể nói, biển động giúp hình thành đức tin.

Đức tin lớn lên ít nhiều sau mỗi lần biển động.

Thuyền đời Kitô hữu chẳng bao giờ êm ả.

Nó chỉ êm ả khi về tới bến.

Nhưng lòng ta lại phải giữ cho bình yên,

ngay cả khi Ngài không thức dậy,

dù ta đã gọi Ngài nhiều lần giữa tiếng sóng gào thét.

Ta tin rằng Ngài sẽ cứu ta theo cách của Ngài.
 

Gợi Ý Chia Sẻ

Điều gì khiến bạn sợ hơn cả trong cuộc sống? (Sợ thất nghiệp, sợ thi rớt, sợ không được yêu, sợ mất uy tín, hay sắc đẹp...). Sự sợ hãi có làm đời bạn bớt vui không? Có làm bạn bớt tự do không?

Khi bạn bị căng thẳng, lo âu, mất bình an, bạn thường làm gì để trở lại bình thường? Cầu nguyện có giúp gì cho bạn không?
 

Cầu Nguyện

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản

ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao

nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được

con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.